Vợ ở nhà chăm con còn khổ hơn gấp vạn lần chồng đi kiếm tiền…

0
16062

“Vợ mình chả làm gì cả, chỉ ở nhà thôi!” đây luôn là câu trả lời của Thành mỗi khi có ai đó hỏi anh đại loại mấy câu như là: Vợ mày dạo này làm gì? Hay vợ ông đang làm gì?…

Mà có những khi có cả mặt Liên (vợ Thành) đứng đó, Thành cũng trả lời vậy khiến Liên cảm thấy tủi thân vô cùng. Sinh 2 đứa cũng san sát nhau, ở nhà chăm con nhỏ đầu tắt mặt tối từ sáng sớm tới tối khuya, có khi còn thông cả đêm nữa mà khi nói chuyện với ai chồng cũng toàn bảo: “Ui, vợ tao chả làm gì cả, chỉ ở nhà thôi.”. Thế ở nhà chơi à? Mà ở nhà chơi thì tinh thần nó phải thoải mái, người phải béo trắng hồng hây hây, tay chân phải trắng phau phau với quần áo phải lượt là gọn gàng, móng tay móng chân phải được chau chuốt tới bóng loáng chứ. Đời thủa có ai “ở nhà chơi” mà tóc tai lúc nào cũng rối bù xù, mặt mũi thì hốc hác, mắt da thì thâm quầng như con gấu trúc không,.. Lại còn mệt mỏi về tinh thần, ăn thì không được miếng nào cho ngon mà ngủ thì cũng chả ra hồn ngủ… Nói thật chơi thôi mà khổ thế thì nào ai mà chơi nổi cơ chứ. Những lúc mệt mỏi, nằm thức trông con mà nghĩ tới câu nói của chồng mà Liên ứa nước mắt, sao thấy tủi thân quá. Hóa ra đàn bà ở nhà chăm con như Liên là chả làm gì cả sao?

Mà cũng lạ ghê cơ, hễ mọi người nghe thấy ai nói là: Vợ tôi ở nhà! Là sẽ nghĩ ngay rằng: À con vợ thằng này ở nhà ăn bám chồng, vô công rỗi nghề, bala bala… Xin thưa nếu như đàn bà sinh ra để được ban tặng cái thiên chức làm vợ, làm mẹ thì đàn ông sinh ra chính là để bảo vệ, chở che và nuôi sống cái gia đình đó chứ. Vậy nếu như phân định rạch ròi những thiên chức mà mỗi người phải làm như thế thì chẳng phải là đàn bà sinh con, chăm con rồi duy trì nòi giống đã là một công việc vĩ đại nhất rồi đó sao? Vậy những người đàn ông có khi nào nghĩ chính họ cũng đã từng được nuôi lớn trưởng thành từ chính bàn tay của những người đàn bà hay không? Những người mẹ của họ cũng chả có làm gì cả mà họ vẫn có thể khôn lớn trưởng thành được như vậy đấy thôi.vo-toi-chang-lam-gi-ca-1

Nhưng Liên lại không nghĩ được nhiều như thế. Trong lòng Liên khi nào cũng là nỗi buồn, tủi hờn và những tự ti về bản thân và ngoại hình. Nghỉ làm ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ san sát nhau, cách nhau hơn tuổi (vì chót lỡ kế hoạch nên tặc lưỡi là thôi thì đằng nào mất công nuôi thì nuôi cả thể sau cho nó nhàn hơn và hết cái trách nhiệm đẻ con) mà cô thấy sao nó còn vất vả hơn cả ngày xưa đi làm, đầu óc lúc nào cũng như muốn nổ tung ra vậy. Rồi cơm, nước, chợ búa, dọn dẹp, giặt giũ, dỗ con khóc, ép con ăn, rồi giải quyết ti ri tỉ muội các chuyện nào là thằng lớn đánh thằng bé, thằng bé thì ỉa bậy, tè dầm, thằng lớn nghịch ngợm, phá đồ chơi, chui tủ lạnh, xểnh ra cái chạy lon ton ra ngoài đường, ra sông nghịch,…

Ấy thế đã hết đâu, còn phải lo xem tối chồng ăn gì, rồi con ăn gì, lo tắm gội cho chúng, quản lý chi tiêu tiền điện, tiền nước sao cho hợp lí từ đồng lương không được quá xông xênh của chồng để sao cho đủ sống cho tới lúc lấy lương tháng tới, rồi lo sao cho hợp lí để trích ra 1 khoản phòng khi con đau ốm,… Rồi lại lo tới chuyện làm sao để cái câu “Vợ tôi chả làm gì, ăn rồi ở nhà thôi… đừng ám ảnh trong đầu nữa. Cái câu nói đó sao cứ ở mãi trong đầu Liên ngay cả trong giấc ngủ khiến cô nhiều lúc như muốn hét lên thật to cho nó khuây khỏa, chỉ muốn bỏ đi đâu đó cho thoát khỏi cái căn nhà mà không có lúc nào ngơi những tiếng khóc lóc, tiếng đập phá, tiếng đòi hỏi, mè nheo và thậm chí là càu nhàu nữa của 3 người đàn ông trong nhà. Liên như muốn hét lên, nhiều lúc muốn sôi sục phản kháng, nhiều lúc uất ức hỏi tại sao họ sinh ra để hành hạ Liên như vậy. Nhưng rồi, vài phút thở dài, rồi buông vai, Liên lại tự nhủ lòng mình: Có lẽ đó là cái số của mình.

Cứ sau mỗi tối thức dậy, khi mà giấc ngủ cứ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê, Liên thức dậy với vẻ mệt mỏi và sáng nào với cô cũng là một buổi sáng tồi tệ để bắt đầu cho một ngày căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng mà chồng cô lại chẳng mấy khi có thể hiểu được điều đó. Sáng anh quà áo là lượt rời khỏi nhà thì vẫn là khung cảnh nhà ấy: gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, con cái sáng sủa, thơm tho, cơm canh nóng có sẵn nên là Thành nghĩ ở nhà chỉ việc bế thằng nhỏ với dắt thằng lớn đi chơi thế là xong… Thế nên cuộc chiến âm thầm mà mệt rũ người của Liên với 2 thằng “giặc nhà”  và công việc dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ,… Thành là người ngoài cuộc nên không biết. Có những hôm con quấy quả khóc, Liên mới kể nể có một vài câu đã thấy Thành trừng mắt phùng mang trợn má lên nói: “Tôi đi làm cả ngày mệt lắm rồi cô để tôi nghỉ ngơi, yên tĩnh được không? Có mỗi việc ở nhà chăm con thôi mà làm không nên hồn thì còn làm được cái gì nữa. Ngày xưa mẹ tôi nuôi tới 5, 6 anh em có kêu ca gì đâu. Cô có biết là kiếm được một đồng tiền ngoài xã hội nó bon chen, nó mệt mỏi và đáng sợ như thế nào không? Mà thôi, cô suốt ngày ở nhà thì biết cái gì mà nói, có nói với cô có khi cũng bằng hòa”.vo-toi-chang-lam-gi-ca-2

Đúng, Liên không phủ nhận những lời chồng nói. Liên biết ra ngoài xã hội bon chen kiếm chác được một đồng đâu có dễ. Nhưng chỉ có điều Thành không biết rằng: Người phụ nữ một mình nuôi con, chăm chồng, gánh vác quán xuyến mọi việc trong gia đình cũng không phải là một công việc dễ gì. Và cái mà cô cần chính là sự cảm thông và chỉ cần một vài câu động viên, khích lệ và chia sẻ nho nhỏ từ chồng thôi. Có lẽ nếu Thành làm được như thế thì Liên cũng đã có thể mở lòng mà chia sẻ thêm cùng với chồng những khó khăn, áp lực mà Thành đang gánh vác trên vai. Dù là đôi vai vững chắc của người đàn ông hay đôi vai mảnh khảnh của người đàn bà đều có rất nhiều gánh nặng . Và ai cũng giữ khư khư không nói cho nhau hiểu và cứ nghĩ mình khổ hơn thì mãi mãi chả có thể hiểu được nhau. Liên thương chồng, nhưng có lẽ Thành lại chưa hiểu được lòng của một người đàn bà.

———-

Một chiều tan tầm Thành đi làm về, thấy thằng bé thì đang gặm cái điều khiển tivi, tè dầm nước đái vung vãi khắp nhà. Trong khi đó thằng lớn thì đang ngồi ăn bánh cạnh cái tủ lạnh mở toang hoang với 2 bàn tay dính đầy bánh kẹo đen xì, mặt mũi thì nhọ nhem, quần áo thì lọ lem. Chưa hết cái nền nhà mới thật là kinh khủng: sữa tươi, sữa bình đổ tùm lum lên ghế salon, rồi bimbim thằng lớn ăn chắc còn thừa rớt đầy vào nước tiểu của thằng nhỏ, ướt nhoẹt mà thằng con lại nhón ăn rồi còn bôi choẹt loẹt lên đầu nữa. Quần áo trong ngăn kéo tủ nhựa của của bọn trẻ thì kéo đầy từ trong buồng tới tận phòng khách, đồ chơi thì vứt tung tóe, la liệt các mảnh xếp hình, ô tô, có khi chăn chiếu cũng bị dẫm lên chán rồi,… bỉm biếc, khăn quấn ở đâu mà chúng nó lôi nguyên bịch ra trước cửa phòng.

Thành giật mình vì thấy cái màn hình ti vi cứ nhấp nháy nhấp nháy, cái đầu quay thì cứ kêu rè rè kèm theo tiếng rít, chạy lại xem thì hóa ra tới 2 cái đĩa nhét vào, tivi thì chả hiểu bật sang chế độ DVD tự bao giờ… Kì thực lúc đó nhìn nhà không khác gì một cái bãi rác, mới kinh khủng khiếp làm sao. Lửa giận bừng bừng nổi lên Thành quát thằng lớn mà thằng bé thấy thế khóc ré lên. Thấy thế Thành chạy lại nhấc thằng bé ra khỏi bãi nước đái thì thấy đũng quần nằng nặng, một mùi thum thủm tới kinh khủng sộc thẳng vào mũi. Thành quát lớn tiếng: “Mẹ chúng mày đi đâu rồi hả?tre-nghich

Thành vội bế thằng con xuống phòng tắm rửa ráy qua rồi lên nhà tìm vợ. Bước vào phòng ngủ xíu nữa Thành bị trượt ngã vì bãi nước đái khác của thằng nhỏ. May nhờ bám vội vào thành cửa nên không bị ngã. Chút nữa là Thành đã chửi bậy rồi, giọng  rít lên hỏi: Hôm nay cô ở nhà đã làm cái gì vậy hả?

Liên quay ra vẻ mặt mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhãi, 2 má đỏ bừng bừng thều thào nói: Em ốm”. Thành sờ trán vợ thấy nóng ran. Nhìn vợ, nhìn 2 thằng con cùng với khung cảnh trước mặt khiến lòng Thành đảo lộn, hoang mang không biết nên sắp xếp lại nhà từ đâu cho gọn gàng lại nữa. Thành nhìn vợ mà lúc này chỉ muốn quỳ xuống nói “Anh lạy em, van em, em là siêu nhân cơ mà sao có thể ốm được”.

Ngao ngán, Thành tháo cà vạt rồi ngồi xuống giường hỏi vợ: Thế em đã ăn gì chưa?” “Em chưa”. “Vậy con ăn gì chưa?” “Ăn rồi… Chị Hà hàng xóm nấu cho 2 con ăn trưa rồi”. “Vậy nhà còn gì ăn không?” “Không còn gì hết, em không đi chợ được”. Thành nhìn vợ, khuôn mặt Thành lúc đó còn kinh khủng hơn cái bận năm ngoái khi mà thằng cu lớn vạch chim đái vào cái laptop đang mở sẵn của Thành.

Khi chồng gần bước ra khỏi cửa phòng thì Liên khẽ nói: “Anh, em xin lỗi. Hôm nay em ở nhà mà chẳng làm gì cả…”. Thành đứng ngây ra đó nhìn đôi mắt rưng rưng ướt lệ của vợ. Lúc đó anh mới hiểu được rằng thì ra vợ anh ở nhà không phải là không làm gì cả. Nhìn bãi chiến trường ngổn ngang trước mắt, Thành thấy thương vợ nhiều hơn. Hóa ra anh đã lầm, anh đã sai. Thành quay sang nói với vợ: Em cứ nằm nghỉ đi, để đó cho anh”.

Liên nằm quay mặt vào tường, len lén giấu đi cái khăn quấn bịch nước nóng cho xuống ngầm giường và kéo vào lòng thằng nhỏ mà lúc nãy bố nó bế vào, cô khẽ dụi mắt vào cổ con và thì thầm: Cưng ơi hôm nay mẹ xin lỗi con nhé”. Nhưng mắt nàng lại ánh lên tia cười rất tinh nghịch.

Nguồn: Khampha

Chỉ ăn với đẻ rồi ở nhà trông con thôi mà cũng kêu khổ

1. Giá như đàn ông cũng phải chửa, cũng phải chịu những cơn chuột rút giật thấu tim gan vào giữa đêm và mỗi sáng thức dậy, cũng nếm mùi từng chiếc xương kêu răng rắc vì thiếu canxi, cũng biết cảm giác muốn lật người phải hít thật sâu và lấy đà 5p mới có […]