Vệ sinh cho trẻ sơ sinh đúng cách

0
2279

Chăm sóc mắt

Khi bé chào đời, nếu sinh bằng phương pháp đẻ thường do bị ép trong sản đạo và sự kích thích của nước ối mắt bé có thể bị sưng đỏ, các bác sĩ sẽ phải dùng thuốc nhỏ mắt để xử lý và bé cần phải được chăm sóc mắt tốt khi về nhà. Để tránh tình trạng mắt bé bị chảy nước mắt và ghèn thậm chí tình trạng viêm kết mạc mắt cũng có thể xảy ra nếu việc chăm sóc mắt cho bé không được tốt.

sơ sinh cần được giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, hàng ngày bé cần được chấm mắt (hoặc lau nhẹ) bằng khăn mềm thấm nước đun sôi để nguội. Khăn dùng chấm mắt cho bé phải được dùng riêng, giặt sạch và luộc chín hàng ngày để tránh bé bị viêm mắt do vi khuẩn.

Nếu mắt bé xuất hiện ghèn, dử, có thể nhỏ nước muối sinh lý 0.9% cho bé, nên sử dụng lọ nước muối sinh lý trong 2 đến 3 ngày.

Nếu phát hiện thấy kết mạc mắt của bé bị sung huyết, dử mắt nhiều thì phải nhỏ mắt cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ. Chú ý không được để đầu chai thuốc hay đầu ống thuốc chạm vào mắt bé. Bất cứ người nào chạm đến em bé đều phải rửa tay trước và sau chăm sóc bé.

Ánh sáng trong phòng bé không nên quá mạnh, nhất là vào ban đêm, ban ngày khi bé ngủ cũng nên kéo bớt rèm của để mắt bé được nghỉ ngơi

Chăm sóc tai

Dùng tăm bông hay các dụng cụ khác đi vào sâu trong ống tai để lấy ráy tai cho bé là phương pháp vệ sinh tai sai lầm, không hiệu quả và dễ gây ra những nguy cơ đáng tiếc cho bé.

Đường tai của bé thường khô, không có chất bẩn tiết ra, không cần phải chăm sóc đặc biệt, không cần phải dùng tăm bông để ngoáy tai cho bé.

Để phòng ngừa nước rơi vào tai bé khi tắm gây viêm tai các mẹ có thể nhét bông gòn vào tai bé trước khi tắm hoặc  để phòng ngừa nước sữa hay dịch thể khác chui vào tai bé, khi cho bé ăn tốt nhất phải che tai bé lại, nhất là khi cho bé bú bình. Nếu không làm như vậy, sữa từ miệng bé trào ra rất dễ chui vào tai gây viêm tai giữa.

Nếu bạn thấy bé bỗng thấy bứt rứt, khó chịu, khóc nhiều, sốt nóng thì nên kiểm tra hai tai xem bé có bị đau không. Sau khi bé đã ngủ, nếu chạm vào tai mà bé giật mình thức dậy, hoặc là khi cho bé bú, một bên tai bị chèn và bé không chịu ăn thì chứng tỏ tai bé đã bị đau, mẹ cần đưa bé đi khám sớm.

Chăm sóc mũi

Nếu thấy mũi bé bình thường, khô ráo thì bạn cũng không phải chăm sóc kỹ mũi cho bé.

Nếu thấy mũi bé có dịch bạn có thể dùng khăn mềm, nhúng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, vắt ráo, lau nhẹ để lấy hết chất nhầy bên ngoài lỗ mũi cho bé, sau đó mẹ có thể nhỏ 1 đến 2 giọt nước muối sinh lý vào mũi trẻ để vệ sinh.

Chú ý không nên dùng tăm bông hay vật gì cứng để ngoáy mũi trẻ vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, làm mũi bé chảy máu. Các trường hợp nặng phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc miệng

Khoảng 3 tháng tuổi, nướu răng của bé bắt đầu cứng dần, sau đó có màu đỏ và phồng lên, và khoảng 6 – 8 tháng tuổi bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé mới 1 – 2 tháng tuổi, trên vùng nướu răng của bé có những nốt nhỏ nhô lên (dân gian gọi là nanh sữa) màu sắc bình thường, không đau. Đây không phải là hiện tượng mọc răng. Trong quá trình hình thành xương ở răng (xương sẽ bao xung quanh răng khi mọc ra) và mô nướu có thể tạo ra những nốt nhô, nó không gây trở ngại trong ăn uống của bé. Đến tuổi mọc răng những nốt nhô này có thể sẽ mất đi.

Đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì nhiều cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có trẻ quấy khóc hoặc bỏ bú, những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng đau khi chạm phải. Khi bị nhiễm khuẩn, nanh vẫn có màu trắng nhưng niêm mạc lợi xung quanh rìa đốm trắng sẽ có màu đỏ, sưng thậm chí còn bị loét do sang chấn, có thể có sốt nhẹ.

Nếu  trẻ không sốt, không quấy khóc, chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi, nanh sẽ tự biến mất sau 1 – 2 tuần. Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu cho trẻ cần đưa trẻ đến khám nha sĩ để chích hay nhể nanh.

Thủ thuật này rất đơn giản, tuy nhiên thao tác cần nhanh và chính xác để tránh tổn thương xung quanh gây chảy máu, làm trẻ đau thêm và gây tâm lý lo lắng cho cha mẹ trẻ.Nanh sữa có thể tái phát sau khi chích nhưng sẽ ở vị trí khác.

Bạn tuyệt đối không được dùng kim hay những vật cứng để chọc và nặn nanh cho bé vì bé có thể bị đau hơn và nhiễm khuẩn do dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn

Bạn nên vệ sinh trong miệng của bé sau khi bú bằng cách

Cho bé uống 1 – 2 thìa nhỏ nước sạch sau khi bú.

Dùng miếng vải sạch nhỏ tẩm nước sạch lau nhẹ ở nướu và lưỡi sau khi bú nhất là ở vùng có nanh sữa, tránh đi sâu vào vùng đáy lưỡi vì sẽ gây kích thích co bóp các cơ ở hầu họng làm cho trẻ bị nôn nhất là lúc vừa ăn no.

Có thể làm sạch phía trong lưỡi lúc bé bụng đói, không được cho bé nằm ngửa lúc vệ sinh miệng, phải bế bé sao cho đầu thấp lúc vệ sinh miệng để tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản gây nguy hiểm.