Cách tự làm dầu gấc tại nhà cực nhanh và đơn giản

0
10475

Dầu gấc rất bổ dưỡng và đặc biệt chứa nhiều vitamin A và E rất tốt cho bé. Ngoài công dụng bổ sung dinh dưỡng trong các bát cháo/bột cho con, mẹ có thể dùng dầu gấc bôi ngoài da để vết thương mau lành.

Có rất nhiều cách làm dầu gấc khác nhau, bạn hãy chọn cách làm phù hợp với điều kiện của mình nhất nhé.

Cách 1: Làm dầu gấc nguyên chất

Cách làm này có ưu điểm là thu được dầu nguyên chất nhưng nhược điểm là làm kỳ công, vất vả và tốn nhiều chi phí hơn.

Nguyên liệu:

Gấc chín tầm 50 quả gấc sẽ thu được >1 lít dầu nguyên chất.

Bổ đôi quả gấc chín tách lấy hạt gấc có màng nhầy mầu đỏ ra, đem phơi trên mâm hoặc khay sạch hoặc sấy ở nhiệt độ 50 độ đến khi màng se lại có thể dùng tay sờ mà không thấy dính.

 

Gấc bổ đôi lấy phần hạt mầu đỏ đem phơi rồi tách màng đỏ để riêng ra

Lấy dao tách lấy cái màng đỏ khỏi hạt, đem phơi hoặc sấy đến khi khô, xay hoặc giã nhỏ rồi cho vào chõ, đồ chín, ép nóng để được dầu nguyên chất.

Sau khi thu được dầu nguyên chất rồi thì cần đun trên lửa nhỏ cho hơi nước bay hết đi nếu không dầu sẽ hỏng trong 1 hoặc 2 tháng sau khi làm.

Bã gấc sau khi ép lấy dầu nguyên chất bạn có thể cho vào dầu ăn thông thường hoặc mỡ lợn, đun trên lửa nhỏ để được dầu gấc loại hai.

 

 

Nếu làm nhiều bạn có thể phơi hạt gấc vào các tấm nứa bọc nilong  như hình trên

Cách 2: Màng gấc sau khi phơi khô xay nhỏ bạn cho vào với dầu ăn thông thường hoặc mỡ đun nhỏ lửa trong 20 đến 30 phút, khuấy đều tay cho vụn gấc không bám dưới đáy nồi gây cháy, khét. Sau 30 phút tắt bếp, tiếp tục đảo đều tay, để dầu nguội, đem gạn dầu bỏ bã.

Cách 3: Là cách làm đơn giản nhất mà vẫn thu được dầu gấc ngon, đảm bảo dinh dưỡng.

Gấc chín bổ đôi ra lấy hạt, dầu ăn tầm nửa lít (tùy các bạn muốn dầu gấc thêm đậm đặc thì dùng 300ml dầu, hoặc khối lượng quả gấc to thì cho nhiều dầu hơn). Thả hạt gấc tươi có màng đỏ bao quanh bên ngoài vào nồi dầu ăn, đun nhỏ lửa (các bạn nhớ đun nhỏ lửa liu riu thôi nhé) thỉnh thoảng dùng đũa khuấy đều trong vòng 30 phút thì tắt bếp. Để hạt gấc lắng xuống thì chắt dầu gấc vào chai thủy tinh để dùng dần, phần cuối có cặn bạn có thể lọc qua rây nhỏ để bỏ hạt gấc và thịt gấc nhỏ rơi ra.

tự-làm-dầu-gấc-tại-nhà-cực-nhanh-và-đơn-giản

Hạt gấc sau khi tách ra cho vào với dầu ăn và đun nhỏ lửa

Dầu gấc có tác dụng rất tốt cho các bé biếng ăn cần được tăng cường thêm sức đề kháng vì lượng Beta carotene và Lycopen trong dầu gấc cao có thể giúp phòng ngừa bệnh.

Khi cho bé ăn dặm, sau khi nấu xong bột/cháo hay đồ ăn của bé xong, tắt bếp mới nêm 1 đến 2 thìa dầu gấc vào đồ ăn. Không nêm khi đang đun nấu tránh hao hụt dinh dưỡng trong dầu gấc.

tự-làm-dầu-gấc-tại-nhà-cực-nhanh-và-đơn-giản

Lưu ý khi chọn mua gấc và sử dụng dầu gấc

– Chọn gấc nếp thịt gấc đỏ hơn gấc tẻ, khi nấu lên với dầu sẽ cho mầu đỏ sậm và mùi vị thơm hơn gấc tẻ

– Có quả gấc khi nấu lên với dầu cho mầu đỏ sậm, có quả cho mầu vàng nghệ.

– Khi đun gấc với dầu ăn để lửa thật nhỏ, tránh làm dầu bị sôi.

– Nên sử dụng trong vòng từ 1 đến 2 tháng sau khi làm xong.

– Chọn quả gấc chín đỏ, gai nhỏ và mỏng, không thối, không dập nát.

– Cơm gấc khô sau khi sấy và tán bột hoặc hạt gấc tươi có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để dùng dần.

Chúc các mẹ thành công với món dầu gấc tự làm tại nhà.