‘Trò đùa’ của mẹ nguy hiểm với bé

0
884

Chơi với con, cưng nựng con là đặc quyền của bố mẹ và cũng là cách đơn giản nhất giúp bố mẹ gần gũi và hiểu con hơn. Tuy nhiên, có những trò chơi với con bạn nghĩ là vô hại nhưng sự thật lại vô cùng nguy hiểm cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé, có thể khiến bé mang thương tật mãi mãi.

Trẻ có thể rất hào hứng và thích thú mỗi khi được người lớn cầm tay nhấc bổng lên hoặc nắm lấy 2 tay và lăng bé quay 360 độ. Tuy nhiên, trò chơi này có nguy cơ làm trẻ bị trật khớp cổ tay, sái tay hoặc chóng mặt, nôn mửa. Thậm chí, rất nhiều trẻ sau khi chơi trò này có biểu hiện hoảng loạn, khóc lóc hay giật mình. Đó chính là những chấn động tâm lý do sợ hãi.

Bởi vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không cầm tay bé dưới 4 tuổi và nhấc bổng vì dễ gây trật khớp. Tổn thương trật khớp có khi còn kèm theo gãy xương phải phẫu thuật điều trị. Có những trường hợp trật khớp nặng làm mất khả năng vận động của trẻ khi trưởng thành.

(Clik vào hình để xem ảnh với kích cỡ lớn hơn)

'Trò đùa' của mẹ nguy hiểm với bé - 1

Sơ cứu nhanh khi bé bị chệch khớp

Khi trẻ bị chệch khớp vai, đầu gối, cổ tay, cánh tay… bạn nên:

– Không di chuyển trẻ để tránh lực tác động, không nắn hoặc cố cử động khớp bị trật, hoặc bắt nó trở lại vị trí, điều này có thể gây tổn thương khớp và cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh.

–  Cố định khớp: Cố định ở tư thế mà khớp đang ở vị trí đó. Nếu trật khớp vùng tay, khuỷu tay có thể cố định bằng cách cột tay vào thân người, dùng thân người làm vật cố định nâng đỡ cho tay.

– Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để tránh và giảm sưng phù: Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay mật gấu vì có thể làm tình trạng xấu đi.

– Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển trẻ trật khớp đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và điều trị.

Hạ Chi (Theo Youngliving)