Trị dứt điểm nấc cụt ở trẻ sơ sinh

0
37020

Trẻ sơ sinh bị nấc là một hiện tượng bình thường nhưng khiến bé khó chịu nếu không được “giải tỏa”.

Nấc cụt là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở trẻ sơ sinh khiến bé khó chịu, mệt mỏi. Nguyên nhân phổ biến của hiện tượng này là vì bé bú quá nhiều, quá nhanh và nuốt nhiều không khí trong khi ăn. Điều này làm cho dạ dày của bé quá tải và phải dãn ra, tạo sức ép và sự co tắt lên cơ hoành khiến bé bị nấc. Trẻ có thể bị nấc cụt ngay sau khi bú hoặc trong suốt quá trình.

Nấc cụt còn có thể vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong dạ dày. Ví dụ: sau khi ăn bột nóng, mẹ cho bé uống nước hoặc sữa quá lạnh và cơn nấc sẽ xuất hiện.

Trẻ sơ sinh có thể bị nấc vài lần trong ngày, thời gian không kéo dài. Nếu con của bạn nấc những vẫn vui vẻ chơi đùa, không quấy khóc thì các mẹ không cần phải lo lắng. Tuy nhiên để giúp bé đỡ khó chịu, bạn có thể tham khảo các mẹo chữa nấc cụt dưới đây.

Cách chữa nấc cho trẻ sơ sinh

  1. Làm bé phân tâm

Chơi đùa hay nói chuyện sẽ giúp bé quên đi việc cơn nấc đang “làm phiền” và cơn nấc cũng theo tiếng cười cùng bé mà biến mất.

  1. Gãi môi hoặc mang tai

Các mẹ hãy bế bé lên và gãi nhẹ lên mang tai hoặc môi khoảng 60 cái thì cơn nấc sẽ nhanh chóng chấm dứt. Nếu bé khóc trong khi đang gãi thì cơn nấc sẽ nhanh khỏi hơn vì thần kinh thực quản của bé được giãn ra.

  1. Vỗ nhẹ vào lưng bé

Đây là cách chữa nấc đơn giản nhất mẹ có thể làm cho các bé yêu của mình. Bạn chỉ cần để bé ngồi dậy và vỗ vào lưng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để giúp bé ợ hết hơi thừa ra ngoài.

  1. Bịt nhẹ hai lỗ tai của bé

Khi thấy trẻ sơ sinh bị nấc, mẹ dùng hai ngón tay trỏ bịt hai lỗ tai của bé trong khoảng 30 giây rồi bỏ ra và có thể lặp lại 2 – 3 lần. Cách làm này cũng giúp bé hết nấc nhanh chóng. Tuy nhiên các mẹ nên chú ý làm cẩn thận, nhẹ nhàng, đừng làm đau bé khi thực hiện việc này.

  1. Bóp kín mũi bé

Đây là một mẹo dân gian được truyền lại với cách thực hiện như sau: mẹ dùng ngón trỏ và ngón cái bóp hai cánh mũi của bé cùng lúc trong khoảng 2 đến 3 giây và bỏ ra cũng khoảng 2 – 3 giây. Thực hiện việc này liên tục từ 15 – 20 lần sẽ giúp khí thừa trong thực quản bé thoát ra ngoài, cơn nấc sẽ biến mất.

  1. Massage lưng bé

Xoa bóp nhẹ nhàng lưng bé sẽ giúp các cơ của bé được thả lỏng, nhờ đó mà cơ hoành cũng được thư giãn. Các mẹ nên massage cho con vài phút, theo hướng thẳng đứng, từ dưới lên trên vai và sẽ hiệu quả nhất khi bé đang ngồi thẳng.

  1. Cho bé ăn sữa hoặc uống nước

Nếu bé chưa đủ 6 tháng tuổi, bạn có thể chữa nấc cho con bằng cách cho bé ăn sữa từ từ, từng chút một. Đối với trẻ đã ăn dặm, mẹ có thể thay sữa bằng khoảng 100 ml nước và cũng cho bé uống một cách chậm rãi thôi nhé.

Có cách ngăn ngừa nấc cho trẻ không?

Chỉ cần chú ý hơn trong việc cho bé ăn, các mẹ có thể giúp bé tránh xa cơn nấc cụt phiền toái. Bạn có thể thay đổi thói quen ăn uống cho trẻ như sau:

– Chia nhỏ khẩu phần, cho bé ăn nhiều bữa

Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ và lượng sữa có thể chứa được cũng không nhiều. Vì vậy thay vì cho trẻ ăn quá no trong một lần, các mẹ hãy để bé bú nhiều lần với lượng ít hơn. Không chỉ vậy, bạn cũng không nên ép bé ăn thêm khi bé tỏ ra đã no. Một lượng sữa vừa đủ sẽ làm bé no và cũng không khiến cho dạ dày quá tải, gây nên nấc cụt.

– Vỗ nhẹ lưng khi cho bé bú

Sau khi bé ăn sữa được một thời gian, mẹ hãy giúp con mình dừng lại và vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hết hơi thừa có trong dạ dày. Việc làm này không chỉ giúp bé không bị nấc mà còn không bị đầy bụng nữa đấy.

– Cho bé ăn sữa đúng cách

Với trẻ bú mẹ, đầu của bé phải cao hơn người và ngậm trọn ti của mẹ để tránh việc nuốt quá nhiều không khí. Còn trẻ uống bằng bình sữa thì mẹ hãy cầm sữa chếch khoảng 45 độ để sữa chảy tràn đầy núm vú, không khí tập trung ở đáy bình. Bé không nuốt phải không khí thì sẽ không bị nấc đâu các mẹ.