Nước ối chính là môi trường để cho thai nhi phát triển và tồn tại cho đến khi thai nhi chào đời. Nên nước ối có vai trò rất quan trọng trong suốt cả thai kỳ. Chính vì vậy mà các bà bầu cần có những hiểu biết về môi trường sống của bé để có thể phát hiện ra những bất thường một cách kịp thời.
1. Nước ối là gì ?
Nước ối là một chất lỏng có màu trắng trong bao quanh thai nhi trong tử cung. Nước ối là môi trường bảo vệ giống như một cái đệm dành cho thai nhi chống lại việc nhiễm khuẩn của cả thai nhi và tử cung. Khi thai nhi lớn dần theo từng tháng thì lượng thể tích cũng tăng dần theo. Ở mỗi bà bầu sẽ có lượng nước ối khác nhau.
2. Màu sắc của nước ối
Có nhiều trường hợp nước ối rỉ ra từ từ và khiến mẹ bầu bối rối tự hỏi liệu đây có phải nước ối hay là mẹ bị són tiểu? Cách phân biệt dễ nhất chính là dựa vào màu sắc nước ối. Ban đầu nước ối có màu trắng trong và khi thai càng phát triển thì nước ối càng đục dần. Khoảng từ tuần thai thứ 38, nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống nước vo gạo. Còn nếu bạn thấy chất lỏng chảy ra có màu vàng thì rất có thể bạn đã bị són tiểu rồi đấy.
Lưu ý: Bất thường về màu sắc của nước ối”
Ngoài những biểu hiện thông thường, màu sắc nước ối còn phản ánh tình trạng của thai nhi. Nếu bạn thấy những màu sắc bất thường dưới đây, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Nước ối có màu đỏ nâu là dấu hiệu của thai chết lưu.
- Nước ối xanh đục, mùi hôi, có lẫn mũ là những dấu hiệu của nhiễm trùng ối. Lúc này, nguy cơ nhiễm khuẩn bào thai là rất cao.
- Nước ối có màu vàng xanh có thể là hiện tượng thai nhi chậm phát triển hoặc bị tán huyết.
- Nước ối sệt hoặc lẫn phân su của bé có thể là dấu hiệu của tình trạng suy thai nghiêm trọng, de đọa tính mạng thai nhi.
3. Chỉ số nước ối là gì
Thông thường, lượng nước ối tăng dần theo tuổi thai. Ở 20 tuần tuổi, lượng nước ối vào khoảng 350ml, sau đó tăng lên 670ml vào 25-26 tuần. Thời điểm 32-36 tuần, lượng nước ối tăng thêm đến khoảng 800ml hoặc cao hơn, đến tuần 40-42 giảm xuống còn khoảng 540-600ml. Đây là khoảng thời gian mẹ bầu sẽ có những dấu hiệu chuyển dạ. Do đó, bác sĩ cần nắm chỉ số nước ối để theo dõi tình hình sức khỏe của thai nhi.
Chỉ số nước ối được ký hiệu là AFI. Để đo chỉ số này, bác sĩ sẽ thực hiện theo thủ thuật sau: Lấy rốn làm mốc, chia bụng làm 4 phần với 2 đường dọc ngang. Ở mỗi phần, chọn ra túi ối sâu nhất để đo chiều dài. Cộng 4 chiều dài này lại sẽ ra chỉ số ối AFI. Dựa vào bảng chi tiết sau đây, bạn có thể biết chỉ số nước ối của mình bình thường hay bất thường:
Các bệnh lý thường gặp của nước ối
– Đa ối: Thai phụ sẽ được chẩn đoán là đa ối nếu lượng nước ối khi siêu âm nhiều hơn 2 lít. Hoặc mẹ cũng có thể nghi ngờ mình bị đa ối nếu thấy bụng to lên nhanh và có cảm giác căng tức khó chịu. Đa ối thường đi liền với các bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi như bệnh lý nhau thai, thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc là kết quả của các bệnh như tiểu đường thai kỳ, bệnh lây qua đường tình dục…
– Thiểu ối: Khi thể tích nước ối dưới 200ml, thai phụ sẽ được xác định là thiểu ối. Đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi có bất thường về hệ tiêu hóa hoặc hệ tiết niệu như hẹp niệu quản, thai nhi bị suy thận,… Thiểu ối còn gặp trong tình huống mẹ suy dinh dưỡng, mất nước, thai quá ngày sinh,…
4. Cách nhận biết vỡ ối
Vỡ ối có thể xuất hiện từ trước khi thấy dấu hiệu chuyển dạ, vì thế, mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi để phòng ngừa tình trạng cạn ối sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi. Dấu hiệu vỡ ối có thể khác nhau ở từng thai phụ và từng giai đoạn trong thai kỳ nhưng càng gần cuối thai kỳ thì khả năng vỡ ối càng cao.
Nếu bạn nghe thấy tiếng “bục” và sau đó nước ối tràn ra, chảy xuống cả chân, đây chính là những dấu hiệu rõ ràng nhất khi nước ối vỡ và bạn cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Và ngay cả trong trường hợp không thấy nước ổi chảy thành dòng có thể cảm nhận được nhưng bạn nhận ra quần lót ướt nhiều và phải thay liên tục, bạn cũng cần nhập viện để được theo dõi. Một khi túi ối đã vỡ, nước ối sẽ tiếp tục rò rỉ cho tới khi em bé chào đời.
Hy vọng qua những thông tin trên sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về nước ối, các mẹ cũng không nên lo lắng quá nếu thấy có gì đó bất thường nên khi khám bác sĩ ngay. Và cần nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất để có một thai kỳ khỏe mạnh.
( Theo: Marrybaby)