Tâm sự của mẹ trẻ 9x đi đẻ nhẹ nhàng như đi chơi nhờ phương pháp đẻ không đau

0
55887

Thấy các mẹ ai đẻ xong cũng kêu than đau đớn rồi “thề sống thế chết” sẽ không bao giờ đẻ nữa nhưng với riêng em, em thấy việc sinh nở thật nhẹ nhàng. Chẳng biết do cơ địa em dễ đẻ hay nhờ phương pháp đẻ không đau mà sau khi đẻ xong em đã lại lên kế hoạch cho lần mang thai thứ 2, thứ 3…

Tâm sự của mẹ trẻ đi đẻ nhẹ nhàng như đi chơi

Nói không ngoa nhưng vợ chồng em thực sự rất muốn có nhiều con. Sau lần sinh đầu rất nhẹ nhàng càng tạo động lực cho em có thêm 2, 3 đứa con nữa. Suốt thai kỳ, ngoài việc đi làm, em chẳng phải động chân tay đến bất cứ việc gì. Vì vậy mà đến tháng thứ 8 thai kỳ, thai nhi của em vẫn ở trên cao, chẳng chịu tụt xuống. Mẹ em đã cảnh báo cứ đà này em sẽ rất khó đẻ và nguy cơ đẻ mổ là rất cao.

Em đã lo lắng vô cùng vì em rất sợ sẽ bị đau đẻ đến 2-3 ngày. Em còn nghe nhiều chị ở cơ quan kể nếu thai nhi ở bụng trên, khi sinh nở còn bị bác sĩ dùng chân dẵm lên bụng để con tụt xuống.

Em nghe mà hãi hùng quá. Vốn nhút nhát, sợ đau nên em đã tính với chồng rất nhiều phương án đi đẻ. Em thì muốn chọn đẻ mổ cho bớt đau nhưng anh xã lại không đồng ý vì bảo đẻ mổ con không khỏe, hay bị mắc các bệnh hô hấp.

Tâm sự của mẹ trẻ 9x đi đẻ nhẹ nhàng như đi chơi nhờ phương pháp đẻ không đau
Tâm sự của mẹ trẻ 9x đi đẻ nhẹ nhàng như đi chơi nhờ phương pháp đẻ không đau

Em nghe cũng có lý nhưng nếu đẻ thường dễ thì không sao, đẻ mà khó lại đau mấy ngày cũng không đẻ được rồi lại đi mổ thì chết mệt. Mà sức em yếu thế này không biết có rặn đẻ được không…? Em đã suy nghĩ rất nhiều về các phương án sinh nở.

Thế rồi đến cuối thai kỳ, em được chị gái mách cho phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng. Chị bảo phương pháp này khá an toàn, mẹ không phải mất sức đau đẻ mà vẫn có thể đẻ thường.

Cách này đáp ứng được yêu cầu của cả hai vợ chồng em nên bọn em không ngần ngại mà chốt luôn sẽ sinh con bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Những tuần gần đẻ, em được xét nghiệm máu 2 lần để xem chắc chắn cơ địa có hợp gây tê ngoài màng cứng không. Em đau đẻ trước ngày dự sinh 10 ngày.

Buổi sáng hôm đó, em nhận thấy những cơn đau bụng nhâm nhẩm. Đoán là những cơn đau chuyển dạ, hai vợ chồng và bố mẹ chồng vội bắt xe vào viện. Sau khi làm thủ tục nhập viện, khám thai, bác sĩ nói cổ tử cung của em đã mở được 1 phân.

Lúc này những cơn đau đẻ tuy còn thưa nhưng mỗi lần đau thì như chết đi sống lại. Mẹ chồng bảo mới mở 1 phân mà đã kêu la thế thì tí nữa chịu sao nổi. Nghe mẹ nói xong mà em hoảng vì sợ không có sức để chịu đau.

Vì đã đăng kí từ đầu sẽ đẻ bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng nên rất nhanh chóng sau đó em được đưa vào phòng đẻ và làm các thủ thuật này.

Khi cổ tử cung mở được 4 phân, em được xốc dậy, ngồi gập lưng, chìa lưng ra hướng bác sĩ, trước ngực được cô y tá đưa cho cái gối để ôm, để cắn mỗi khi cơn gò tới. Lúc đó em đau lắm, vừa chịu đau của những cơn gò, vừa chịu đau của mũi tiêm nhưng vẫn luôn tự an ủi mình rằng sau mũi tiêm này sẽ không còn bị hành hạ bởi những cơn gò nữa.

Lúc đó, em cảm nhận rõ mũi kim cứ châm chích dọc theo cột sống rồi đến công đoạn luồn ống nhựa vào trong cột sống cũng thật đáng sợ. Khoảng 15 phút sau thuốc tê bắt đầu có tác dụng khiến toàn thân em run rẩy rồi hai chân tê dại và cơn đau giảm hẳn.

Đổi lại sự đau đớn của mũi tiêm gây tê ngoài màng cứng, từ lúc ấy em chẳng chút đau đớn gì nữa. Khi cổ tử cung đã mở được 8 phân em vẫn chẳng cảm nhận được cơn đau đẻ.

Lúc đó em thấy sung sướng lắm, cứ nghĩ đẻ mà không đau thế này thì đẻ 10 đứa cũng được. Khoảng 1 giờ sau, cổ tử cung mở 10 phân tròn, lúc này em mới cảm thấy một chút đau nhẹ. Bác sĩ yêu cầu em rặn. Vì không phải chịu đựng những cơn đau đẻ nên em bình tĩnh lắm.

Ekip đỡ đẻ cứ yêu cầu thế nào, em làm theo thế đó và thật may mắn chỉ 20 phút sau con em đã cất tiếng khóc oe oe chào đời.

Sau 8 giờ từ lúc nhập viện đến lúc sinh nở, em chẳng cảm thấy quá đau đớn như các mẹ sinh xong vẫn kể. Trong khi các mẹ khác vật vã trên bàn đẻ, sau sinh mất sức đến 10 ngày thì em khỏe mạnh bình thường.

Em thấy phương pháp sinh bằng cách gây tê ngoài màng cứng rất hay, mẹ chẳng phải chịu chút đau, lại rất bình tĩnh còn con thì khỏe mạnh chào đời. Đẻ bằng phương pháo này sẽ tốn tiền hơn đẻ thường một chút nhưng em nghĩ đó chẳng thành vấn đề đúng không chị em?

Chúng ta vừa được đẻ thường, lại không mất sức, có sức để chăm con sau sinh, lợi đôi đường. Với kinh nghiệm một lần đi đẻ của mình, em khuyên chân tình các mẹ nên đẻ thường bằng phương pháp đẻ không đau này.

Phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng

Trên là tâm sự về phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng của một mẹ trẻ. Đây được coi là một thủ thuật sinh con hiện đại, an toàn với các thiết bị hỗ trợ tối tân, đây cũng là một trong những phương pháp được nhiều chị em thai phụ lựa chọn để cuộc vượt cạn diễn ra suôn sẻ như ý muốn. Thế nhưng, hiện nay có nhiều lời đồn đoán về biến chứng bất lợi để lại về sau như về già hay bị đau nhức xương khớp khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây cũng chỉ là những luồng thông tin trái chiều từ một phía và chưa được kiểm chứng chính xác. Tuy nhiên phương pháp đẻ không đau: Không phải bà bầu nào muốn thực hiện cũng được. Và trước khi có ý định “chọn mặt gửi vàng” cho phương án đẻ không đau này, mẹ bầu cũng nên nắm rõ một vài thông tin cơ bản nếu không muốn bị “shock” khi gặp phải trục trặc.

1. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng nói chính xác hơn là gây tê vùng. Điều này có nghĩa, bà bầu sẽ nhận được một mũi gây tê vào cột sống, thuốc từ đó phân tán đối xứng sang hai vùng lân cận xung quanh làm tê liệt một vài bộ phận chịu áp lực nhiều nhất trong khi chuyển dạ. Thông thường, thuốc có tác dụng từ núm vú hoặc rốn xuống tận các ngón chân. Vì vậy, bà bầu vẫn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi chuyện xung quanh, chỉ trừ không cảm nhận được cơn đau đẻ đang “hoành hành”.

Gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật sinh con hiện đại, an toàn
Gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật sinh con hiện đại, an toàn

2. Cần chuẩn bị gì trước khi sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng

  • Không phải bệnh viện nào cũng có dịch vụ gây tê ngoài màng cứng cho sản phụ, bởi đẻ tự nhiên vẫn được khuyến khích hơn. Có thể trong 2 tam cá nguyệt đầu, bạn tự tin rằng mình sẽ đủ dũng khí để vượt cạn tự nhiên, nhưng đến phút chót lại bị nỗi sợ đau đẻ ám ảnh và muốn đổi phương án. Vì vậy, ngay từ đầu khi chọn bệnh viện để gửi gắm chuyện sinh nở, bạn nên tính đến vấn đề liệu ở đây có cho đẻ không đau không.
  • Chia sẻ với bác sĩ bạn hay thăm khám về ý định đẻ không đau của mình. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất để vượt qua chuyện sinh nở dễ dàng.
  • Bà bầu nên nói chuyện với anh xã, người thân, hay bất cứ ai có nhiệm vụ ở bên cạnh bạn trong phòng chờ sinh về ý muốn gây tê ngoài màng cứng. Bạn nên nói rõ ý muốn khi nào cần đến mũi tiêm gây tê, khi tử cung mở 4cm hay cứ để bạn chịu đựng các cơn co thắt cho đến lúc nào không chịu được thì thôi.
  • Tham khảo trước thông tin dịch vụ gây tê ngoài màng cứng ở bệnh viện.
  • Luôn lên kế hoạch cho phương án dự phòng, bởi đôi khi tử cung mở quá nhanh so với dự định hoặc quá lâu quá mất thời gian. Dù ở trong tình huống nào, bà bầu cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh, bởi rồi đâu cũng sẽ vào đó.

3. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng thực hiện như nào?

  • Trước tiên, bà bầu có thể phải nằm nghiêng bên trái hoặc ngồi, cả hai tư thế đều yêu cầu bạn phải co người, cong lưng để bác sĩ có thể thấy rõ vùng cột sống và tiêm thuốc tê.
  • Tiếp đến, bác sĩ sẽ sát trùng qua phần thắt lưng của bà bầu, sau đó tiêm thuốc tê để giảm cảm giác đau lúc đưa ống truyền thuốc vào khoang trên màng cứng quanh xương sống.
  • Sau khi gây tê, ống thuốc được đặt vào qua kim tiêm lớn với một lượng thuốc tê thử nghiệm. Lúc này, mẹ bầu nên thư giãn, hít thở sâu và nhẹ nhàng, hạn chế cử động. Cuối cùng, bác sĩ định hình ống thuốc nhờ băng keo y tế.
  • Nếu liều thuốc thử nghiệm ổn, một túi dịch sẽ được nối với ống mềm đã dán sẵn trên lưng, và đặt ở chế độ chảy liên tục. Thuốc có thể thay đổi tùy vào nhu cầu của mẹ bầu.
    Kinh nghiệm đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng & Có nên chọn phương pháp này không?
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng

4. Tác dụng phụ của phương pháp đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng

Việc gây tê tại chỗ “dọn đường” cho kim tê ngoài màng cứng gây cảm giác khá đau cho mẹ bầu. Khi các kim chạm vào dây thần kinh có liên quan đến chân, bạn sẽ không tránh khỏi vài cơn đau nhói khó chịu.

Trong lúc chuyển dạ, một số mẹ bầu cảm nhận được các cơn co thắt nhưng không hề thấy đa. Trong khi đó, lại không ít bà bầu tê liệt hoàn toàn từ núm vú đến đầu gối.
Sau khi sinh, y tá sẽ loại bỏ các băng dán và kéo ống thông ra. Nhiều giờ liền sau đó, bạn có thể vẫn trải nghiệm cảm giác tê ở chân. Đôi khi, các mẹ còn cảm thấy yếu ở chân hoặc thậm chí tê liệt trong khoảng thời gian khá dài. Đau lưng cũng là tác dụng phụ khá phổ biển sau thủ thuật đẻ không đau.

Biến chứng thường gặp nhất đó chính là hiện tượng tụt huyết áp ở mẹ bầu. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hay thay đổi vị trí. Các rủi ro khác như suy thai hay bắt buộc phải mổ bắt con cũng có khả năng xảy ra. Bạn cũng có thể bị tê liệt, tổn thương thần kinh hoặc nhiễm trùng, nhưng tỷ lệ rất hiểm.

5. Những mẹ bầu nào không được sử dụng phương pháp đẻ không đau?

Để thực hiện một ca gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ phải khám thật chi tiết cho bà bầu về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, cơn co thắt để tiên lượng xem liệu bạn có phù hợp với phương án đẻ không đau này hay không. Thông thường, mẹ bầu sẽ không được thực hiện phương án này với 6 nguyên nhân sau:

  • Đã và đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu trong thai kỳ.
  • Chất lượng máu của bà bầu không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay một vài lý do khác.
  • Tình trạng thừa cân khiến bác sĩ gây mê khó có thể xác định được vị trí khoang trên ngoài màng cứng để truyền thuốc vào.
  • Chảy máu quá nhiều hoặc đang bị sốc không đạt điều kiện thích hợp cho thủ thuật đẻ không đau, bởi bà bầu rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột.
  • Viêm nhiễm ở vùng lưng cũng cản trở việc thực hiện phương pháp này.
  • Cổ tử cung đã mở đủ chuẩn để sinh thường (8-10cm).

6. Làm gì khi gây tê không hiệu quả?

  • Bạn sẽ được yêu cầu chuyển vị trí để kích hoạt tác dụng của thuốc.
  • Bác sĩ sẽ tăng liều lượng thuốc tê hoặc thay đổi một loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là do vị trí của ống thuốc, vì vậy bác sĩ sẽ điều chỉnh lại để đảm bảo tác dụng.
  • Thuốc giảm đau IV thường được sử dụng song song vởi gây tê ngoài màng cứng để hỗ trợ hiệu quả hơn đối với trường hợp bà bầu không giảm đau là mấy.
  • Vận dụng kỹ năng hít thở bạn đã luyện tập trong thai kỳ để dễ chịu hơn khi các cơn co thắt liên tiếp dồn dập.

Với những kinh nghiệm đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng cùng nhiều kiến thức rất cần thiết trên đây, mong rằng các bà mẹ sắp sửa bước vào giai đoạn sinh nở sớm đưa ra quyết định cuối cùng là có nên chọn phương pháp này hay không. Hầu hết những ca sinh con bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng như thế này đều diễn ra khá thành công, người mẹ cũng giảm đi ít nhiều cơn co thắt liên hồi, thoải hơn hơn về mặt tinh thần để hoàn toàn an tâm chào đón bé yêu. Với những bà mẹ có sức khỏe tốt, đủ mạnh mẽ để vượt qua cơn đau đẻ thì hầu như không sử dụng tới cách thức này nhưng với người lần đầu vượt cạn, bị ám ảnh rặn đẻ hoặc mắc phải các bệnh lý nào đó thì tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, từ đó áp dụng sinh con theo phương pháp hỗ trợ nhẹ nhàng mà hiệu quả này. Chúc các mẹ vượt cạn thành công!

>>> Tham khảo ngay các loại sữa bầu và vitamin mẹ nên bổ sung trong thai kỳ:

Các bài viết liên quan: