Tác hại “giật mình” của ánh nắng mặt trời với làn da trẻ

0
1910

Những bà mẹ hay cho con phơi nắng sẽ phải suy nghĩ lại trước những tác hại khó lường của thói quen này.

tác hại của mặt trời đối với làn da của bé

 

Lấy chồng Mỹ, sinh con rồi theo anh về quê chồng sinh sống tôi cảm thấy rất may mắn vì bản thân được có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và học tập cách làm thế nào để những bà mẹ ở đây chăm sóc, nuôi nấng được những đứa trẻ khoẻ mạnh và chẳng mấy khi bị ốm dù thường xuyên “phơi nắng dầm mưa”.

Một câu chuyện đơn giản mà tôi có thể kể ra, đó chính là cách họ quan tâm như thế nào đến việc bảo vệ làn da của trẻ. Ở Mỹ, khu vực nơi tôi ở, hầu như tất cả các gia đình có con nhỏ khi đi ra ngoài, đi chơi công viên hay tới bãi biển đều mang theo trong túi một tuýp kem chống nắng dành cho trẻ em. Mặt hàng kem chống nắng cũng là một trong những sản phẩm nằm trong danh sách những món đồ chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu cần mua đầu tiên của các sản phụ Mỹ sắp làm mẹ.

Viện Hàn lâm Nhi khoa và Da liễu Hoa Kỳ đã xác nhận tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ kỹ lưỡng da trẻ em chống lại bức xạ của tia cực tím gây ra. Tuy nhiên ở Việt Nam, thái độ của cha mẹ đối với việc bảo vệ làn da trẻ em khỏi ánh nắng mặt trời vẫn còn khá thờ ơ. Mùa hè, nhiều mẹ Việt thậm chí không ngại xấu để khoác lên mình những bộ đồ tránh nắng dày cộp nhằm bảo vệ làn da, vậy nhưng với con trẻ, họ lại thoải mái để con chạy chơi dưới ánh nắng chói chang mà không bôi kem chống nắng và không che chắn gì, có chăng chỉ là cái mũ đội đầu.

Bản thân tôi cũng đã từng có chủ quan với việc chống nắng cho trẻ cho đến khi được các bà mẹ Mỹ chia sẻ những lý do này:

Da trẻ sơ sinh “bắt nắng” gấp nhiều lần da người lớn

Lý do đầu tiên khá đơn giản: da trẻ sơ sinh mỏng hơn rất nhiều và hấp thụ nhiều nước hơn so với da người lớn, do đó, chúng dễ “bắt nắng” hơn. Tỷ lệ diện tích bề mặt da so với khối lượng cơ thể cao hơn người lớn, vì thế sự nhạy cảm hấp thụ ánh nắng qua da cũng lớn hơn, khiến da dễ bị tổn thương hơn.

Tuy nhiên, lý do thứ hai ít ai hay: Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, làn da có ít các sắc tố nâu melanin. Chính các sắc tố nâu melanin này có tác dụng giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím. Ở người lớn, da dày hơn, nhiều sắc tố hơn và do đó có khả năng bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời hơn.

Cho con tránh nắng trong bóng râm vẫn có thể bị hỏng da

Nhiều chị em cho rằng trời râm mát hay cứ để con chơi dưới bóng cây, cho con ngồi trong xe đầy có mái che thì…vô tư đi nắng. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Dù ngồi trên xe đẩy có mái che (với xe đẩy sử dụng loại vải không có bộ lọc tia UV) hay đứng dưới bóng cây râm mát, những tia tử ngoại vẫn có thể chạm đến làn da của bé. Thậm chí, trong một ngày nhiều mây, vẫn có tới 80% tia UV có thể xuyên qua và chạm đến da.

Trẻ bị cháy nắng dễ có khả năng ung thư khi lớn

Bức xạ tia cực tím có thể làm tổn thương các tế bào trên da, từ đó dẫn đến cháy nắng. Tuy nhiên, đó chỉ là hậu quả ngắn hạn. Ít ai biết rằng, về lâu dài, những tế bào bị tổn thương này có thể trở thành “tiền thân của một khối u ác tính” và cả các nguy cơ ung thư khác.

Ánh nắng mặt trời có hại cho tất cả mọi người, tuy nhiên, nó lại đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh – những em bé có làn da nhạy cảm, lớp bảo vệ tự nhiên chưa phát triển hoàn thiện để chịu được những tia nắng mùa hè dữ dội.

Thời tiết cả nước đang trong những ngày hè nắng nóng gay gắt nhất, vậy nhưng, mùa hè cũng lại là mùa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời và cả đi du lịch nhất. Vì thế, việc chống nắng cho trẻ, cho bé sử dụng kem chống nắng để chống tia UV và tránh sạm da vào thời điểm này càng phải tích cực hơn nữa.