Những quan niệm sai lầm
Nằm than: Nhiều vùng khi phụ nữ sinh con đều cho bếp than tổ ong dưới gầm giường hoặc bên giường để sản phụ và em bé được ấm áp. tốt cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu khoa học, khí CO2 từ than đốt dễ khiến bé sơ sinh bị ngạt, nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não của bé.
Phòng ngủ che kín gió: Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thuận (Sức Khỏe & Đời Sống), nhiều người cho rằng gió là thủ phạm chủ yếu gây sốt hậu sản; vì thế, phòng của các bà mẹ thường khép kín, che chắn hết các cửa không cho thoáng khí và gió vào. Kỳ thực thì gió tự nhiên không có tội gì cả. Đây là quan điểm không đúng, vì phòng các mẹ nằm cần có gió và thay đổi không khí cũng như ánh nắng chiếu vào giúp cho sự lưu thông không khí tốt, diệt khuẩn; bụi, nấm mốc không thể phát triển được. Nằm thoáng khí khiến cho oxy được cung cấp đầy đủ trong phòng người mẹ.
Sốt sản hậu là do một số vi khuẩn gây bệnh ẩn trong cơ quan sinh dục của mẹ gây nên. Điều này thường là do việc trước khi sinh không được khử trùng sạch sẽ hoặc do mẹ không chú ý giữ gìn vệ sinh sau sinh. Nếu môi trường trong phòng không sạch sẽ, không khí không trong lành rất dễ khiến cả mẹ và bé mắc bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra phòng kín quá không thể phát hiện chứng vàng da của trẻ, khiến cho nhiều bé sơ sinh bị vàng da lâu ngày mà không biết.
Không đánh răng và không chải đầu: Sau khi sinh, các mẹ thường ăn nhiều bữa trong ngày. Nếu không đánh răng, thực phẩm có cơ hội bám ở kẽ và bề mặt răng, gây bệnh ở khoang miệng, viêm lợi… Tốt nhất, nên dùng bàn chải mềm, chải răng nhẹ nhàng bằng nước ấm. Nên đánh răng 2 lần một ngày vào hai buổi sáng tối, nếu có thể đánh răng, súc miệng sau mỗi bữa ăn thì càng tốt.
Quan điểm không chải đầu sau sinh là quan điểm sai. Việc chải đầu hàng ngày, giúp cho hình dáng được gọn gàng, khỏe mạnh và sạch sẽ. Việc chải đầu giúp massage tóc, để máu nuôi dưỡng tóc tốt hơn và tránh sự bám của gàu.
Uống nước tiểu của bé: Mẹ phải uống nước tiểu của con để gọi sữa về… là một trong những kinh nghiệm dân gian truyền miệng rất sai lầm. Nước tiểu là sản phẩm dư thừa được cơ thể đào thải ra ngoài. Tuyệt đối không nên uống nước tiểu.
Sự lên sữa ở các bà mẹ là do sự tiết sữa của các tuyến vú, do tác động của nội tiết tố prolactin từ tuyến yên của người mẹ phóng thích ra. Khi miệng bé mút vào đầu núm vú mẹ, sẽ tạo nên một luồng phản xạ kích thích tiết prolactin từ tuyến yên, giúp cho sự bài tiết của tuyến vú ra sữa nhiều hơn.
Không tiếp chuyện hay từ chối cuộc viếng thăm: Sự quan tâm, sự hỗ trợ, trò chuyện thân tình và nụ cười của mọi người chắc chắn giúp các bà mẹ bớt đi nỗi lo sợ cô đơn, bớt đi và tránh được sự thay đổi tâm lý sau sanh. Vì vậy, các bà mẹ cần có sự giao tiếp tốt với người thân, với bạn bè trong thời gian ở cữ.
Ăn khô và thức ăn mặn: Quan điểm ở cữ ngoài việc khiêng kem nhiều mặt, vấn đề ăn uống cũng kiêng quá mức, chỉ cho các bà mẹ, ăn cơm muối, thịt nạc kho thật mặn và nhiều muối, ngoài ra không được dùng bất kỳ thứ gì. Điều này hết sức sai lầm, ăn uống thiếu chất không đủ các thành phần dinh dưỡng, cơ thể mẹ chậm hồi phục, sự tiết sữa cho bé bú giảm, gây ít sữa. Đồng thời gây ra chứng táo bón, dẫn đến đi tiêu khó, có thể gây chứng bệnh nứt hậu môn, trĩ… Ở những bà mẹ có huyết áp cao, khi ăn mặn có thể rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp và tiền sản giật – sản giật sau sinh có thể xảy ra.
Nằm gác chéo chân: Một sai lầm phổ biến nhiều sản phụ mắc phải thời kỳ này, đó là nằm gác chéo hai chân lên nhau. Nhiều người cho rằng nằm như thế âm đạo sẽ khép lại, nhưng thực chất nằm gác chéo chân là không tốt vì sẽ ngăn cản sản dịch thoát ra ngoài.
Những quan niệm đúng
Vệ sinh cá nhân (gội đầu và tắm toàn thân): Sau sinh khoảng 2-3 ngày là các mẹ đã có thể gội đầu và tắm toàn thân được. Nên dùng dầu gội đầu hay quả bồ kết nấu nước sôi để ấm gội. Nên gội với thời gian nhanh 5-7 phút, không nên ngâm tóc lâu. Sau khi gội xong cần dùng máy sấy tóc, sấy tóc khô ngay.
Dùng nước tắm ấm sử dụng vòi hoa sen, hay nước tắm đun nóng. Không được dùng bồn tắm và ngâm mình vào để tắm. Nên tắm nhanh, sau tắm cần lau khô toàn thân mặc quần áo và mang tất chân.
Việc tắm gội sau sinh giúp cho da cơ thể được vệ sinh, các lỗ chân lông được thoát hết bụi bẩn tạo nên sự hô hấp vùng da được tốt, tránh viêm da hay nhiễm trùng da.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Sau sinh và trong thời gian cho con bú, cơ thể mẹ cần một lượng kalo cao, vì thế khẩu phần ăn phải tăng thêm về số lượng và chất lượng. Hai thành phần chính cần lưu ý là protein và canxi. Nhu cầu protein mỗi ngày là 80-100g và cân đối protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng và sữa) lẫn nguồn gốc thực vật (đậu phụ, các loại đỗ và ngũ cốc). Lượng canxi cần thiết mỗi ngày là 1.000mg, gấp đôi nhu cầu thông thường. Canxi có nhiều trong sữa, trứng, tôm, tép và các loại hải sản.
Các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, nên dùng thức ăn chín và nóng. Không nên dùng thức ăn lạnh hay đồ nguội vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Ăn 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều xế) xen kẽ 3 bữa chính là uống sữa, ăn bánh, ăn hoa quả loại ngọt và các loại chè đậu. Giai đoạn cho con bú cần thêm viên sắt và acid folic. Cần ăn thêm rau xanh để tránh táo bón. Uống nước đầy đủ.
Thứ duy nhất mà các mẹ nên kiêng là các chất kích thích như cafe, thuốc lá, rượu, bia. Ngoài ra, sản phụ cũng nên hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chua, cay.
Vận động thường xuyên: Vận động thân thể sau sinh là điều cần thiết, nhằm giúp sự co hồi tử cung tốt tránh bế sản dịch, tránh thuyên tắc mạch. Ngày đầu có thể ngồi dậy ra khỏi giường sau 8 tiếng và những ngày tiếp theo có thể đi lại trong phòng, có thể ra tắm nắng ngoài trời từ ngày thứ 2 trở đi, vào buổi sáng sớm 7-8h. Sau một tuần, bà mẹ có thể tập thể dục toàn thân với các động tác nhẹ nhàng.
Ngủ đủ giấc: Giai đoạn ở cữ là giai đoạn rất tốt để lấy lại sức khỏe, bên cạnh về ăn uống, việc ngủ đủ giấc cho bà mẹ là điều hết sức quan trọng, ngoài công việc cho con bú ngày và đêm, khoảng cách giữa các lần cho con bú, các bà mẹ nên ngủ. Người thân trong gia đình cần hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Trung bình mỗi ngày thời gian ngủ 8 – 9 tiếng. Trong thời gian ngủ ở các bà mẹ, cơ thể lấy lại sức khỏe, năng lượng và sự tiết sữa của tuyến vú đang làm việc. Đồng thời tránh được trầm cảm của bà mẹ sau sinh, cũng như tránh được sự ít sữa ở các bà mẹ.
Lưu ý: Người mẹ tránh ngồi xổm (hoặc nằm ngủ) trong tư thế nửa nằm – nửa ngồi. Nếu bà mẹ ngồi và ngủ trong tư thế này dễ khiến tử cung bị sa hoặc lâu hồi phục hơn.
Cho con bú sữa mẹ ngày – đêm: Ngoài những dinh dưỡng không có sữa nào sánh được, sữa mẹ còn có các chất kháng thể giúp bé trong 6 tháng đầu đời bé sẽ không mắc bệnh và khi lớn lên những bệnh lặt vặt hay cơ địa dị ứng cũng ít gặp hơn. Việc cho con bú còn tạo nên mối liên hệ đặc biệt giữa mẹ và con.
Khi cho bé bú mẹ, các bà mẹ nên ngồi dậy. Trước khi bú, cần lau sạch đầu vú bằng khăn sạch và nặn bỏ giọt sữa đầu, cho bé bú hết sạch bầu vú bên này, rồi sang bầu vú bên kia, điều này giúp cho sự tiết sữa ra nhiều hơn, tránh cho bú lưng chừng vì như vậy, sự tiết sữa bị ức chế.
Nghe nhạc: Sau sinh tâm lý bà mẹ có sự thay đổi, lo sợ vu vơ, có thể thay đổi tính tình và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Điều này rất nguy hiểm, cần có sự động viên và quan tâm của người thân trong gia đình đặc biệt là người chồng.
Các bà mẹ cần nghe các loại dòng nhạc êm dịu, làng điệu dân ca, trữ tình. Âm thanh vừa đủ nghe để không ảnh hưởng đến thính lực của mẹ và bé.
Theo: hn.eva.vn