Những lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

0
11857

Thuốc đưa vào cơ thể trẻ qua bất cứ đường nào (uống, tiêm, bôi ngoài da) đều được hấp thu, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận, trong khi chức năng gan thận ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất yếu. Do đó, khả năng thải trừ thuốc ở đối tượng này chậm hơn nhiều so với người lớn và trẻ lớn. Vì vậy, dược chất dễ bị tích tụ trong cơ thể, gây ra ngộ độc, nhất là khi trẻ dùng thuốc kéo dài. Thuốc vào cơ thể sẽ gắn với protein trong huyết tương và đẩy billirubin ra, làm tăng billirubin trong máu, gây nên hiện tượng vàng da. Ở trẻ nhỏ, sự phân phối kháng sinh trong cơ thể cũng khác người lớn vì tỷ lệ nước trong cơ thể nhiều hơn. Do đó liều lượng, cách dùng thuốc phải rất thận trọng.

Các loại thuốc kháng sinh không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

– Cloramphenicol: Có thể gây “hội chứng xanh xám” cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non. Trẻ bị xanh tái dần rồi trụy tim mạch và tử vong. Cloramphenicol còn gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục.

– Tetracyclin: Không nên dùng cho trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc này làm chậm phát triển xương, làm cho răng có màu vàng nâu vĩnh viễn. Tetracyclin còn làm căng thóp ở trẻ sơ sinh.

– Kháng sinh nhóm aminozid (như streptomycin, gentamycin): Nếu dùng cho trẻ sơ sinh sẽ dễ gây điếc. Các loại sulfonamid như bactrim không nên dùng cho trẻ nhỏ vì dễ gây vàng da và độc với thận. Các thuốc kháng sinh negram, nitrofurantoin, rifamicin cũng không nên dùng cho trẻ nhỏ vì có thể gây vàng da, nhiễm độc cho gan.

Về cách đưa thuốc kháng sinh vào cơ thể trẻ:

+ Phải hết sức thận trọng, nên dùng đường uống, hoặc tiêm tĩnh mạch nếu có chỉ định của thầy thuốc. Đối với trẻ nhỏ, không nên tiêm bắp vì làm trẻ đau và đặc biệt là dễ gây xơ cứng cơ, khiến trẻ bị tàn tật.

+Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, do đó không nên cho rằng người lớn dùng gì thì trẻ em dùng nấy, chỉ cần bớt liều đi. Khi trẻ bị ốm, nhất thiết phải đưa đi khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế, không tự ý cho trẻ uống kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách bảo của những người không có chuyên môn.

>>>> Trẻ sơ sinh rất dễ bị mắc các bệnh do sức đề kháng kém, mẹ đừng quên bổ sung các sản phẩm tăng sức đề kháng giúp bé ngừa bệnh hiệu quả nhé:

Những kinh nghiệm cho trẻ uống thuốc kháng sinh

– Không tự ý dùng thuốc cho trẻ vì có thể gây ngộ độc, lờn thuốc. Luôn tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ khi dùng bất kỳ thuốc gì cho trẻ.

– Không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc. Không sử dụng toa cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống.

– Không bóp mũi trẻ, đè đổ thuốc. Giải thích và dỗ dành trẻ nếu trẻ khóc hoặc không chịu uống thuốc.

– Không cho trẻ uống thuốc khi trẻ đang khóc, cười hay đang co giật.

– Không nên cho trẻ uống thuốc lúc bụng đói, nhất là các thuốc giảm đau, kháng viêm như: aspirine, corticoide… để phòng ngừa chứng viêm loét dạ dày.

– Cho trẻ uống những loại thuốc phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

– Cách cho trẻ uống thuốc dễ dàng và không sợ hãi, nên chọn dạng thuốc thích hợp cho trẻ.

+ Đối với trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi: cần chọn dạng thuốc lỏng như: sirô, hỗn dịch, nhũ dịch (hỗn dịch, nhũ dịch là dạng thuốc lỏng có phần trắng đục như sữa, trước khi uống phải lắc kỹ chai để thuốc trộn đều) hoặc thuốc giọt hòa vào nước để uống. Đây là các thuốc đã được bào chế thơm, ngọt nên trẻ thích uống. Cũng có thể chọn những loại thuốc có dạng thuốc bột, thuốc cốm đựng trong gói, khi uống sẽ hòa với nước thành dạng lỏng có mùi thơm, vị ngọt, dễ uống đối với trẻ.

+ Đối với những trẻ lớn, thường từ 5 tuổi trở lên, có thể nuốt được viên thuốc: ta có thể cho trẻ uống thuốc dạng viên nén hoặc thuốc hình bao con nhộng. Không nên nghiền nhỏ viên thuốc cho trẻ uống vì có một số loại thuốc chứa dược chất rất đắng, sẽ làm cho trẻ sợ hãi. Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà cần mềm mỏng, kiên trì thuyết phục khi cho trẻ uống thuốc.

– Không pha thuốc vào bất cứ loại nước nào hoặc thức ăn của trẻ. Chỉ nên pha thuốc với nước đun sôi để nguội để đảm bảo đặc tính của thuốc và duy trì hiệu quả điều trị.

Không pha thuốc vào những loại dịch uống hoặc thức ăn sau đây vì sẽ làm thành phần, hiệu quả và tác dụng của thuốc bị thay đổi.

+ Không pha thuốc vào bình sữa cho trẻ bú: sữa công thức (sữa bò) chứa nhiều kali và sắt. Những chất này khi gặp một số thuốc sẽ phản ứng, tạo ra một số tạp chất ổn định hoặc khó tan, gây cản trở cho sự hấp thụ thuốc của lòng ruột và dạ dày. Thậm chí, có những loại thuốc còn bị những chất này phá hủy. Ngoài ra, canxi có trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc.

+ Không pha thuốc vào nước ép trái cây: trong nước trái cây, nhất là nước cam, chanh có thành phần acid tương đối nhiều. Khi dùng nước trái cây để uống thuốc có thể làm xảy ra một số phản ứng hóa học dẫn đến thay đổi tính chất của thuốc. Nếu pha với nước nho ép có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh. Lý do nước nho ép có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.

+Không pha thuốc vào thức ăn hoặc thức uống của trẻ: mùi vị thơm ngon của thức ăn, thức uống sẽ hòa lẫn với mùi vị lạ của thuốc. Trẻ kén ăn hoặc nhạy cảm mùi vị sẽ phản ứng, từ chối thức ăn, thức uống đã được pha thuốc, dù đó là những thứ mà trước đây trẻ ưa thích. Đối với trẻ lớn hơn, trộn thuốc như thế trẻ sẽ cho là mình bị đánh lừa và mất lòng tin ở cha mẹ.

Nguồn: The Gossip