Từ khi vừa lọt lòng mẹ đến ba tuổi, bé có thời gian ngủ hoàn toàn khác người lớn. Sự khác biệt này làm cho cuộc sống của các mẹ hoàn toàn đảo lộn. Để cuộc sống cân bằng hơn trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, thì các bà mẹ nên tìm hiểu về giấc ngủ của bé theo từng độ tuổi, điều này sẽ giúp bạn có những điều chỉnh cần thiết để cuộc sống dễ dàng hơn, giảm thiểu sự đảo lộn.
Giai đoạn sơ sinh – 2 tháng:
Những ngày mới sinh, thời gian hầu hết của trẻ là ngủ từ 16-20 tiếng/ ngày. Đồng hồ sinh học của bé không có khái niệm là ngày hay đêm. Bé chỉ dậy để ăn trong khoảng 30-45 phút, và vì dạ dày nhỏ bé còn quá non nớt, chưa hoàn thiện nên bé tiêu hóa khá nhanh và vì vậy bé cần được cho ăn mỗi 2 tiếng 1 lần, bất kể ngày đêm.
Từ 2- 3 tháng tuổi:
Khoảng 4 tuần sau sinh, thời gian ngủ của bé dần thay đổi, giảm xuống chỉ còn khoảng 15-18 tiếng mỗi ngày. Trẻ bắt đầu thức vào ban ngày nhiều hơn và ngủ nhiều vào ban đêm.
Từ 3 đến 6 tháng tuổi
Thời gian này bé ngủ vào ban đêm khoảng 11 tiếng và hai giấc ngủ ngắn ban ngày là ít nhất. Thời gian cho giấc ngủ ngày thường từ 45 phút đến 2 tiếng 30 phút, và mỗi lần thức cũng khoảng 2 tiếng, sau đó bé sẽ ngủ lại.
Từ 6 – 9 tháng tuổi:
Thời gian ngủ của bé sẽ ít dần đi. Giai đoạn này, bé đã bắt đầu ăn dặm và được ra ngoài nhiều hơn, khả năng nhận biết và làm quen với thế giới xung quanh nhiều hơn. Bé vẫn duy trì giấc đêm khoảng 11 tiếng và thời gian ngủ ban ngày khoảng 3 tiếng.
Từ 12 -18 tháng tuổi:
Bé sẽ giảm dần thời gian của cữ ngủ ngày xuống còn khoảng 2 tiếng – 2 tiếng 30 phút.
Từ 1 đến 2 tuổi
Thời gian này trẻ ngủ hai giấc ngủ ngắn ban ngày và mỗi đêm dao động trong khoảng 10 – 12 tiếng. Đến độ tuổi này, vào giấc ngủ đêm, bé có thể sẽ ngủ khoảng bốn tiếng, sau đó thức dậy.
Từ 2 – 3 tuổi
Tuổi này giấc ngủ của bé cả đêm lẫn ngày là 10 – 12 tiếng. Đôi khi vì mải chơi, bé thậm chí không ngủ trưa mà dành toàn bộ thời gian ngủ cho giấc đêm. Việc này đôi khi lại gây nên hậu quả trái ngược, vì không được ngủ ngắn vào ban ngày nên chiều bé thường sẽ rất quấy và không chịu ăn uống tử tế. Đến ban đêm, bé cũng sẽ dễ thức dậy hơn vì cơ thể sẽ nhầm tưởng đó là giấc ngủ ngày. Giai đoạn này, những giấc mơ và ác mộng xuất hiện rất rõ ràng đôi khi cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé.
Biết được đồng hồ sinh học về giấc ngủ của bé, sẽ giúp các mẹ phần nào tiên liệu trước lúc nào bạn cần làm gì, để chăm sóc bé tốt hơn cũng như có chế độ chăm sóc bản thân đảm bảo sức khỏe để chăm con.