CHO TRẺ TRẢI NGHIỆM HAY KHÔNG?
“Cho trẻ trải nghiệm hay không?” – Người bảo có, kẻ bảo không! Và đây là một chủ đề gây tranh cãi rất nhiều trong thời gian gần đây. Lý do đơn giản là vì cách dạy con của mỗi người là mỗi khác. Và tôi nhận thấy rằng, các bạn chia ra làm 2 trường phái rõ rệt: một nhóm muốn cho con trải nghiệm thật nhiều và nhóm còn lại muốn sự an toàn phải là ưu tiên hàng đầu. Vậy như thế nào là đúng nhất? Chúng ta hãy cùng bàn về vấn đề này nhé!
Sự việc người mẹ dẫn con gái 4 tuổi đi du lịch xuyên Việt đang nhận được rất nhiều bình luận trái chiều
Lý lẽ của người bảo “Không”:
Sự an toàn: “Đi xa rất nguy hiểm! Nhất là đối với trẻ nhỏ”. Điều này là đúng, nhưng cái việc không cho con đi du lịch hay thậm chí là cấm ra khỏi nhà trong bán kính chừng…5m thì quả là vô lý. Các bậc cha mẹ cần phải cho con mình mở mang kiến thức hơn
Học hỏi những điều không tốt: “Trẻ ra ngoài, gặp nhiều bạn bè, nhỡ gặp đứa nào xấu rũ rê làm việc sai trái thì sao?” – “Lần trước con tôi bị bọn trẻ hàng xóm rũ chơi bắn súng, mấy thứ đồ chơi đó nguy hiểm lắm, nên tôi sẽ ủng hộ việc cấm con cái ra đường”. Chúng tôi hiểu cảm giác lo lắng của cha mẹ. Nhưng bạn à! Đôi lúc những “việc sai trái” đó còn tốt cho con bạn hơn cả những “điều hay lẽ phải”. Vì sao ư? Nếu không gặp điều gì đó “sai trái” thì con người làm sao có thể hiểu được giá trị của “lẽ phải”? Nếu không từng va chạm những điều xấu xa thì làm sao con bạn có cơ hội kiểm chứng điều tốt mà cha mẹ dạy là đúng? Cuộc đời không phải chỉ có màu hồng, con cái chúng ta không phải lúc nào cũng chỉ được tiếp xúc với những điều tốt. Dù bạn có cố gắng bảo bọc chúng cả đời đi chăng nữa thì rồi cũng sẽ có lúc chúng gặp phải những thứ sai trái trong đời mình mà thôi. Và những lúc như thế, chính việc trải nghiệm, mở mang kiến thức sẽ giúp chúng đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.
Đừng bảo bọc con quá mức
Thế người bảo “Có” nói gì?
Thứ nhất, là để phát triển toàn diện: con người ta chỉ được gọi là “lớn lên” khi lớn cả về thể xác lẫn tâm hồn và trí tuệ. Nếu cứ mãi nhốt trẻ ở nhà, bảo bọc quá mức thì trẻ sẽ chẳng thể nào gia tăng sự hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, tâm hồn hay trí não chẳng hề không được mở mang thì cái sự “lớn lên” của trẻ sẽ bị khập khiễng.
Thứ hai, ông bà ta có nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Những câu thành ngữ như thế này không phải là một câu nói cho vui khi cao hứng, mà đó là sự đúc kết kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ đi trước. Từng câu từng chữ trong ca dao, thành ngữ đều chứa đựng rất nhiều ý nghĩa thiết thực từ cuộc sống. Và câu thành ngữ trên đang khuyên răn chúng ta rằng: hãy đi nhiều nơi, đó là cách học hỏi và mở mang trí tuệ tốt nhất. Vậy tại sao chúng ta lại phải ngăn trẻ trải nghiệm nhỉ?
Vậy nên, Hãy cho trẻ được trải nghiệm thật nhiều nhưng phải đúng nơi, đúng chổ và đúng thời điểm. Cấm trẻ ra ngoài là sai, nhưng không quan tâm khi trẻ ra ngoài lại càng nguy hiểm hơn. Hãy cùng trẻ đi du lịch, trải nghiệm, phân tích cho chúng cái gì đúng, cái gì sai! Và nên nhớ rằng, ta không chỉ nuôi con mà phải là “Lớn lên cùng con” bạn nhé!