NUÔI VÀ DẠY
Thực sự để nuôi dạy 1 đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành không chỉ là một quá trình cực kỳ dài hơi và gian khổ mà đúng hơn phải gọi đó là một quá trình rất…Thần Kì của các bậc cha mẹ. “Nuôi” thì dễ nhưng “dạy” thì rất khó. Nó đòi hỏi ở bậc cha mẹ một lòng vị tha, kiên nhẫn và tình yêu con cái hơn chính bản thân mình.
Nói về dạy con thì quả thật có rất nhiều cách “dạy” khác nhau. Ở phần đầu tiên của Series”Lớn lên cùng con”này. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài kiểu dạy con điển hình nhé
Kiểu “Độc tài”
Là phong cách dạy con theo kiểu: “tao cấm mày bước chân ra khỏi nhà” hay “Trời đất ơi, nó xin đi chơi từ lúc 7 giờ, mà bây giờ…7 giờ ruỡi rồi mà còn chưa vác mặt về. Kì này tao cho mày đi luôn”….
Để tôi nói thế này cho rõ nhé! Việc chữi bới và roi vọt có thể kiềm hãm con bạn đấy, có thể hạn chế con bạn tiếp xúc những đứa bạn xấu, tránh được những thuốc lá hay rượu bia thật đấy. Nhưng đó chỉ là nhất thời thôi. Bởi thứ nhất, một con người có tránh được cám dỗ từ những thói hư tật xấu hay không, cốt lõi vẫn là từ ý thức của người đó. Thứ hai, bạn hoàn toàn có thể cấm con bạn không được bước chân ra đường sau giờ học, cấm con bạn ra khỏi nhà sau 7 giờ tối nhưng liệu bạn có hiểu được rằng, nếu muốn hư hỏng, chúng có thể hư bất cứ lúc nào không? Cần gì phải sau 7 giờ tối mới hư được nhỉ? Chẳng lẽ trước 7 giờ thì chúng không thể hút thuốc hay không thể tụ tập đua xe được hay sao?
Kiểu “Con tôi là báu vật”
“Con cứ để đồ chơi đó, mẹ dọn hết cho”; “Trời ơi, con tôi chảy máu…ngón út rồi nè, ôi trời ơi” – đó là những câu cửa miệng của các bậc cha mẹ dạy con theo kiểu này.
Không cần nói thì ai cũng biết, đối với cha mẹ, con cái chả khác gì báu vật quí giá nhất của đời mình. Thế nhưng, nếu cứ nuông chiều và bảo bọc quá mức cần thiết thì hậu quả của nó sẽ rất khó lường. Trẻ sẽ có xu hướng ỷ lại bố mẹ, khó có thể tự lập và thậm chí là hình thành thói kiêu căng, hóng hách rất khó dạy bảo sau này.
Vậy thế nào thì mới là đúng?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): “Cấm đoán khắt khe là biểu hiện của sự bất lực. Buông thả không quan tâm là biểu hiện của sự vô trách nhiệm. Cưng chiều chăm chút là biểu hiện của cách dạy con “yếu đuối”. Nếu chúng ta đã khiến những đứa con trở nên “hư” thì chúng ta cũng có thể dạy cho chúng trở thành trẻ tốt. Hãy “xỏ chân” vào chiếc giày của trẻ để cảm nhận những kết quả hay hậu quả mà chúng ta mang đến qua mỗi cách ứng xử của mình. Nếu bố mẹ có thể “đi giày” của con thì đứa con ấy mới thật sự hạnh phúc”
Đúng như vậy, Các bố mẹ đừng nên áp đặt con cái nhưng cũng đừng quá buông lỏng. Hãy đặt mình vào vị trí của chúng để thấu hiểu, chia sẻ và lớn lên cùng với con.