Tuần vừa qua, câu chuyện của sản phụ tên P.T.X.T (SN 1984; ngụ Bến Tre) mang thai lần 2, sinh hút vì rặn không chuyển, băng huyết sau sinh với máu hiếm AB/Rh(-) đang được rất nhiều người quan tâm trên mạng xã hội và các mạng thông tin. Theo BV Từ Dũ, sau gần 20 giờ cấp cứu và truyền cho sản phụ gồm: 4 túi máu O/Rh(-) (350ml/túi), 3 túi máu AB/Rh(-) (350ml/túi), 10 túi huyết tương đông lạnh (150ml/túi), 10 đơn vị kết tủa lạnh, 2 túi tiểu cầu thì chị X.T đã qua cơn nguy kịch và hiện chị đã hoàn toàn tỉnh táo.
Qua câu chuyện của chị P.T.X.T, các chị em phụ nữ bỗng thấp thỏm lo về nhóm máu của mình. Đặc biệt những người mang trong mình dòng máu hiếm (Rh-), đối với họ mang nhóm máu hiếm giống như “bị một loại bệnh”. Đây không chỉ là băn khoăn của các thai phụ mà nhiều người cũng khá quan tâm đến nhóm máu hiếm này. Vậy nhóm máu hiếm Rh(D) âm tính (viết tắt Rh-) có đáng lo không? Sau đây, Kids Plaza xin chia sẻ thêm với mọi người những thông tin cơ bản về nhóm máu hiếm Rh-:
Nhóm máu hiếm Rh- là nhóm máu gì?
Nhóm máu hiếm Rh- là một trong hai nhóm máu thuộc hệ nhóm máu Rh. Nhóm máu được gọi là hiếm khi có tỷ lệ thấp (<0,1%) trong cộng đồng và rất hiếm nếu tỷ lệ này <0,01%. Hiện nay, ở Việt Nam người có nhóm máu Rh- chiếm tỷ lệ 0,04% – 0,07% , những người có nhóm máu nằm trong tỷ lệ này được gọi là người có nhóm máu hiếm.
Theo ThS. Trần Ngọc Quế, Trưởng khoa Hiến máu và các thành phần máu (Viện HH&TM T.Ư), hệ nhóm máu Rh có khoảng 50 kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu được phát hiện, trong đó có 5 kháng nguyên chính gồm: D, C, c, E, e. Kháng nguyên D là quan trọng nhất, vì tính sinh kháng thể mạnh (khoảng 50% – 80% người Rh(D) âm tính nhận máu Rh dương sẽ sinh kháng thể chống D). Người có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu, được gọi là người có nhóm máu Rh dương (hay Rh(D) dương); Ngược lại, người không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu, là những người nhóm máu Rh âm (hay Rh(D) âm). Các kháng nguyên này do 3 cặp allen liền kề nhau trên nhiễm sắc thể số 1 quy định là Dd, Cc, Ee, các gen này liên kết và tổ hợp với nhau để tạo ra các kiểu gen của hệ Rh.
Lời khuyên dành cho người nhóm máu Rh-, đặc biệt là sản phụ và thai nhi
– Đối với các sản phụ và thai nhi, nhóm máu hiếm có thể gây ra một số tai biến không mong muốn, nếu thai nhi là Rh(D) dương tính thì có thể kích thích cơ thể mẹ sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên D (anti-D). Tuy nhiên, ở lần có thai đầu ít có tai biến cho thai nhi. Lần có thai sau, nếu thai vẫn là Rh(D) thì có thể gây nguy cơ anti-D từ mẹ sẽ truyền qua đường nhau thai, sang máu thai nhi và làm ngưng kết, phá hủy hồng cầu của thai nhi. Tuỳ theo mức độ mà dẫn đến tình trạng vàng da sơ sinh, sẩy thai hay thậm chí thai chết lưu… Tuy nhiên điều này có thể hoàn toàn phòng tránh được. Thực tế đã có nhiều phụ nữ nhóm máu hiếm Rh- sinh con thuận lợi, an toàn, nhiều bà mẹ sinh tới con thứ ba như chị Phượng (nhóm máu B-), chị Nga (nhóm máu O-),..
– Mỗi người dân nói chung nên quan tâm tới sức khỏe bản thân và xét nghiệm nhóm máu Rh. Nếu bản thân mang nhóm máu Rh-, nên thông báo với các cơ sở khám, chữa bệnh khi cần truyền máu. Đặc biệt, phụ nữ nhóm máu Rh- mang thai nên quản lý thai nghén tại cơ sở y tế có khả năng giải quyết một số nguy cơ như: bất đồng nhóm máu mẹ con; truyền máu Rh- khi sản phụ cần truyền máu. Người nhóm máu hiếm nên tham gia hiến máu cho người trong cùng cộng đồng khi có người cần truyền máu.
Dự phòng Anti – D ở sản phụ nhóm máu Rh-
– Trong việc quản lý thai kỳ đối với người mẹ Rh(D) âm tính, bước dự phòng Anti – D có những lưu ý:
+ Trước hết, cần xét nghiệm nhóm máu của người chồng sản phụ để xác định có mang nhóm máu Rh(-) hay không. Nếu bố (người chồng) của thai nhi có nhóm máu Rh(-) cùng nhóm máu của người mẹ là Rh(-) thì không cần dự phòng miễn dịch bằng anti-D. Ngược lại, nếu bố của thai nhi có nhóm máu Rh(+) thì cần phải hiệu giá kháng thể miễn dịch D. Nếu hiệu giá kháng thể cho kết quả dương tính, cần tiến hành các bước như: Theo dõi thiếu máu thai nhi và hiệu quá kháng thể miễn dịch chống D 2 tuần/lần cho sản phụ; hiệu giá kháng thể miễn dịch chống D âm tính thì dự phòng định kỳ bằng anti-D.
+ Việc sử dụng anti-D như sau: Trong quá trình mang thai: có 2 cách dùng và hiệu quả tương tự như nhau; Cách 1: 2 liều anti-D IgG 500 IU – 625 IU vào tuần thứ 28 và 34 của thai kỳ (Nếu tiêm anti-D vào tuần 28 thì tuần 34 có thể tiêm luôn anti-D mà không cần làm xét nghiệm hiệu giá kháng thể miễn dịch lại). Cách 2: tiêm 1 liều anti-D IgG 1500 IU duy nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ.
+ Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng sau sinh, tiêm anti-D IgG 500IU – 1500 IU trong vòng 72 giờ sau khi sinh (nếu con sinh ra có nhóm máu Rh(D) dương tính).
Nhóm máu hiếm Rh- là một nhóm máu như các nhóm máu khác. Người nhóm máu hiếm Rh- có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh+ (trên 99% người Việt Nam mang nhóm máu Rh+). Có nhiều phụ nữ nhóm máu hiếm Rh- vẫn sinh con khỏe mạnh, bình thường. Do vậy, nhóm máu hiếm Rh- không đáng lo ngại nếu chúng ta hiểu, biết và sẵn sàng có những dự phòng cần thiết, cũng như nên tham gia vào cộng đồng nhóm máu hiếm để được hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ kịp thời.
Để cơ thể luôn khỏe mạnh mẹ bầu hãy ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm các vitamin giúp cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho thai kì khỏe mạnh: