Hiểu đúng về chỉ số SpO2 và hướng dẫn sử dụng máy đo SpO2

0
6814

Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 thường chỉ sử dụng dành cho những người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khoẻ người bệnh vào thời điểm dịch Covid. Dưới đây là chi tiết cách sử dụng và hiểu đúng về các chỉ số của SPO2.

Định nghĩa máy đo SpO2

SpO2 (Saturation of peripheral oxygen) là chỉ số thể hiện mức độ bão hòa của oxy trong máu ngoại biên. Máy đo SpO2 kẹp ngón dùng để đo chỉ số SpO2 qua da bằng một loại thiết bị đầu dò được kẹp ở dái tai, ngón tay hoặc ngón chân.

Chỉ số SpO2 giúp phát hiện sớm hiện tượng thiếu hụt oxy trong máu người bệnh trước khi xảy ra tình trạng tím tái. Vì thế việc sử dụng đúng máy đo và hiểu về chỉ số SpO2 là điều rất quan trọng giúp xử trí kịp thời các biến cố và tăng cơ hội sống cho người bệnh

Cách sử dụng đúng máy đo SpO2

Máy đo SpO2 được dùng cho đối tượng các bệnh lý giảm oxy trong máu như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, hội chứng ngưng thở khi ngủ và nhiễm virus SARS – CoV 2. Với máy đo SpO2 cầm tay sẽ luôn hiển thị 2 thông số cơ bản là chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi thể hiện dưới dạng phần trăm) và nhịp mạch (PR) với đơn vị nhịp/phút. 

Cách đo SpO2 sẽ tiến hành theo các bước sau:

  • Bước 1: Kiểm tra tổng quát tình trạng máy: pin còn hay không, khi bấm nút bật máy có phát ra ánh sáng hồng ngoại không, màn hình có sáng và hiển thị số không. Nếu máy hết pin thì phải thay pin mới hoặc sạc pin (tùy máy)
  • Bước 2: Mở kẹp máy đo ra, sau đó đặt một ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu của ngón tay chạm đến được điểm tận cùng của máy (có thể kẹp và dái tai hoặc ngón chân).
  • Bước 3: Khởi động máy bằng cách bấm nút nguồn. Khi máy đo cần ngồi im, hạn chế cử động bàn tay. Sau vài giây, trên màn hình của sẽ hiển thị kết quả đo.
  • Bước 4: Sau khi đo xong chỉ cần rút ngón tay ra khỏi máy và máy sẽ tự động tắt sau một thời gian ngắn (khoảng vài giây đến 1 phút) hoặc có thể lưu chỉ số đã đo vào máy để theo dõi, tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Hướng dẫn đọc các chỉ số và thang đo tiêu chuẩn của chỉ số SpO2

Chỉ số nhịp mạch

  • Hiển thị dưới dạng số tại chỗ ghi chữ PR (pulse rate) hoặc vị trí có hình trái tim.
  • Đơn vị đo: nhịp/ phút.
  • Phạm vi đo: từ 0 – 254 nhịp/ phút.
  • Giá trị bình thường: từ 60 – 90 nhịp/ phút (đối với bệnh nhân là người lớn, khi nghỉ ngơi).

Chỉ số SpO2

  • Hiển thị dưới dạng số phần trăm tại chỗ ghi chữ SpO2.
  • Đơn vị đo: phần trăm (%).
  • Phạm vi đo: từ 0 – 100%.
  • Giá trị bình thường: 98% – 100%.
  • Sai số của thường dao động trong khoảng ± 2%.

Thang đo tiêu chuẩn của chỉ số SpO2

Ở người lớn, dựa trên chỉ số SpO2, có thể đánh giá mức độ nặng như sau:

  • SpO2 từ 97 – 99%: Độ bão hoà oxy trong máu bình thường.
  • SpO2 từ 94 – 96%: Độ bão hoà oxy trong máu ở mức trung bình, tùy từng trường hợp bệnh lý cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân hỗ trợ thở oxy hay không.
  • SpO2 từ 90 – 93%: Độ bão hoà oxy trong máu ở mức thấp, có dấu hiệu suy hô hấp, cần phải cho bệnh nhân hỗ trợ thở oxy và cần phối hợp thêm với bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
  • SpO2 < 90%: Đây là biểu hiện của một ca cấp cứu lâm sàng.

Nếu bệnh nhân đã hỗ trợ thở oxy nhưng SpO2 < 95%, cần nâng cấp độ thở oxy và theo dõi sát.

Đối với trẻ sơ sinh thì chỉ số SpO2 > 94% được xem là mức an toàn. Phụ huynh chăm sóc cần chú ý vệ sinh thân thể, cung cấp đủ nước cho trẻ.

Nếu chỉ số SpO2 < 90% cần phải báo ngay cho bác sĩ để can thiệp và xử lý kịp thời

>>> Có thể bạn quan tâm: Trẻ em bị Covid điều trị tại nhà thế nào?

Một số điều cần biết khi đo SpO2

  • Các yếu tố làm ảnh hướng tới độ chính xác của  máy đo:

+ Bệnh nhân cử động nhiều hoặc bị hạ thân nhiệt, huyết áp thấp

+ Bệnh nhân bôi mỹ phẩm, móng tay quá dài hoặc sơn móng tay/móng tay giả (bộ phận cảm biến trong khe kẹp không che kín được đầu ngón tay)

+ Bệnh nhân có bệnh lý gây bất thường về nồng độ hemoglobin trong máu (thiếu máu, bệnh lý huyết học)

+ Đo ở nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp

+ Sử dụng thuốc gây co thắt mạch máu nghiêm trọng

+ Bệnh nhân bị sốc (sốc giảm thể tích,…) gây ra tình trạng giảm tưới máu mô

+ Ngộ độc Carbon Monoxide (CO) hoặc ngộ độc các chất methemoglobin

  • Những biểu hiện thường gặp khi chỉ số SpO2 giảm ở người bệnh: ho, vã mồ hôi, khó thở, thở nhanh, thờ khò khè, da thay đổi màu, nhịp tim chậm/nhanh hơn bình thường, suy giảm trí nhớ, vật vã, bứt rứt,..

Mong rằng những chia sẻ trên về máy đo SpO2 sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức, thông tin đúng để hỗ trợ người bệnh kịp thời. 

Nguồn: Thông tin được tham khảo từ Website chính thức Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec

Xem thêm:

>>> Mẹ bầu mắc Covid cần làm những gì?

>>> Mẹ bầu nhiễm Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không?