Khi những chiếc răng xinh xắn đầu tiên của bé bắt đầu mọc lên, bố mẹ có cảm giác thế nào nhỉ, hẳn là rất thích thú. Tuy nhiên, đối với bé yêu thì mọc răng là bước phát triển quan trọng đầu đời và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lí của bé. Do đó, bố mẹ cũng nên chú ý đến quá trình mọc răng của bé để chăm sóc răng miệng cho bé khoa học nhất.
Việc theo dõi lịch mọc răng của trẻ để bố mẹ nắm được với những dấu hiệu do việc mọc răng mang lại như: sự cáu gắt của trẻ, hay sốt, chán ăn, biếng ăn ở trẻ.
Dưới đây là lịch mọc răng của trẻ được bệnh viện Nhi đồng Mỹ đưa ra:
– Từ 5 – 8 tháng: mọc 4 răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới
– Từ 7 – 10 tháng: mọc 4 răng cửa hàm bên
– Từ 12 -16 tháng: mọc răng hàm đầu tiên
– Từ 14 – 20 tháng: mọc 4 răng nanh
– Từ 20 – 32 tháng: mọc 4 răng hàm thứ 2.
Biểu hiện của việc mọc răng:
Trẻ thường hay chảy nhiều nước dãi; biếng ăn; quấy khóc, khó ăn ngủ ngon; luôn mút ngón tay; rất thích cắn vật rắn ; đôi khi có sốt nhẹ, lợi sưng đỏ ở vùng răng nhú lên; tiêu chảy.
Cách chăm sóc răng miệng cho bé khi mọc răng
– Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt tới 38,5 độ C trở lên và đau nhiều, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được để trẻ sốt quá cao. Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc.
Lưu ý: Bố mẹ cần phân biệt sốt do mọc răng hay sốt vì lí do khác
– Lau sạch nước miếng hay chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm
– Làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng, mát – xa nướu và nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.
– Cho trẻ ăn các thức ăn mềm để trẻ ăn uống dễ dàng, tránh thức ăn quá nóng hoặc lạnh. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.
– Đối với trẻ đã mọc nhiều răng, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ đánh răng hằng ngày. Dùng một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa flour, hướng dẫn trẻ sau khi đánh răng súc miệng nhổ hết kem đánh răng.