1. Có thể yêu nhau say đắm cả đời hay không?
Tất nhiên chứ, nhưng chỉ khi bạn đang sống trong một câu chuyện cổ tích. Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện thấy rằng tình yêu lãng mạn cùng các thay đổi hóa học trong não chỉ có thể kéo dài tới 12-18 tháng. Nhưng bạn đừng hụt hẫng khi sau đó cảm thấy dần nhãng nhau ra, ai làm việc nấy, chung sống như những người bạn cùng phòng. Thực tế là các cặp đôi ở bên nhau không chỉ nhờ say đắm, họ vẫn có thể cảm nhận được hạnh phúc từ nhiều “ràng buộc” khác, từ tình nghĩa, từ sự động viên nhau… Và bạn biết không, rằng bạn hoàn toàn có thể khơi dậy đam mê tưởng như đã tắt. Một mối quan hệ cũng giống như một cỗ máy, cũng luôn cần tra dầu và bảo dưỡng đó, bạn nhé!
2. Vì sao các cặp vợ chồng hay các cặp đôi yêu nhau lâu trông thường giống nhau?
Không cần các nét đều phải giống, bạn có thể cảm nhận điều này rất rõ từ phong thái, cử chỉ… Bạn hãy thử quan sát các cặp đôi đang thích nhau, yêu nhau nói chuyện mà xem. Một người cười, và người khác cũng vậy; một người gật đầu hay nhướng mày, người kia cũng vậy. Khuôn mặt cũng giống như những giai điệu có thôi thúc tự nhiên để hợp, để hòa vào với nhau, những người yêu nhau có thể cố tình và cả vô thức lưu nhớ và làm theo những thói quen của nhau. Và sau một cuộc hôn nhân dài nhiều… thập kỷ, những hành động giống nhau càng nhiều, càng nhuần nhuyễn thì chuyện giống nhau kia chẳng còn gì lạ nữa cả!
3. Một cuộc hôn nhân còn có thể đứng vững sau phản bội?
Có. Tuy rằng cần nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng các chuyên gia đều nói rằng điều này là có thể. Trong cuốn sách The Monogamy Myth của mình, Peggy Vaughan đã ước tính rằng có đến 60% người chồng và 40% người vợ sẽ ngoại tình ở một mức độ nào đó, vào một thời điểm nào đó trong cuộc hôn nhân của mình. Nói vậy không có nghĩa điều gì được nhiều người cùng làm thì dần dà sẽ có thể trở nên bình thường và dễ chấp nhận, mà nói là để biết rằng các cặp đôi có thể hy vọng vượt qua được sau khi niềm tin đã bị tấn công. “Bên bị hại” khi lựa chọn tha thứ cần học cách sống với một ký ức không dễ gì xóa đi. Chuyện ngoại tình sẽ không quên được, nhưng có thể nhạt dần đi nếu một cặp đôi mạnh mẽ, trưởng thành và có thiện chí.
4. Động vật có giác quan thứ sáu không?
Bạn có biết một con sứa hộp có tới 24 con mắt, toàn bộ cơ thể của một con giun đất đều được phủ các cơ quan thụ giác, giác quan của chó nhạy bén hơn người đến 100.000 lần (một số con chó còn có thể nhận biết được tế bào ung thư ở người). Vậy nên, có thể nói rằng loài vật trải nghiệm thế giới khác chúng ta nhiều lắm!
5. Vì sao luôn chỉ có nhân viên thu ngân của bạn là lề mề?
Bởi vì bạn đang vội đi đón con, sắp trễ một cuộc hẹn, vì bạn đang muốn về sớm để còn kịp xem phim… có rất nhiều lý do khiến bạn nóng ruột thấy thời gian kéo dài hơn bình thường, và ghen tị với những người khác. Nhưng ngược lại, khi bạn xếp hàng ở một quầy thu ngân tính vèo vèo và cũng không bị áp lực gì, có phải bạn chẳng để ý gì làn cạnh mình có chậm rì hay không? Vậy đó, sự may mắn hiếm khi được chú ý nhiều như xui xẻo.
6. Đến tuổi nào chúng ta biết được điều mình muốn làm trong đời?
Câu hỏi này thường được những người trẻ tuổi đặt ra – như một trăn trở, sự bối rối, tò mò… Nhưng giờ đây, rất nhiều người trẻ đã từ bỏ lý tưởng sớm chọn được một nghề phù hợp và gắn bó đến già. Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Ở tuổi bước chân vào đại học, còn quá sớm để rất nhiều người trong chúng ta hiểu được về các nghề nghiệp cũng như khả năng của chính mình. Và thật ra, những người cao tuổi thông thái ở nhiều nền văn hóa khác nhau dường như rồi cũng rút ra được bài học chung của cuộc đời, đó là hãy chỉ sống đi thôi, sống thật nhiệt tình. Nghề nào cũng là nghề, bạn làm gì không quan trọng, mà quan trọng là bạn đã bắt tay thực hiện điều có ích đó, và chắc chắn nó sẽ đem lại những giá trị nhất định cho cuộc sống của bạn.
7. Bạn có phải yêu công việc của mình không?
Không. Bạn hãy yêu chính mình, yêu bố mẹ, yêu con, yêu bạn đời, yêu đất nước, yêu hàng xóm, yêu con chó con mèo của mình… Còn với kế sinh nhai, nuôi sống bạn và gia đình, bạn không nhất thiết phải yêu nó hết lòng (tuy rằng sự thích thú, hài lòng sẽ tốt hơn cho tất cả). Tất nhiên ai cũng chỉ sống có một lần nên cần được sống cho ra sống, được làm những gì mình yêu thích, nhưng đừng cứng nhắc quá. Hãy linh hoạt theo hoàn cảnh. Nếu không có điều kiện thì thay vì bất mãn và sống trong mộng ước được tự do thỏa đam mê, bạn hãy tiếp tục cố gắng trong công việc của mình, và biến mơ ước trở thành một nghề tay trái hay một thú vui cho những khi rảnh rỗi…
8. Khi nào nên “tước” bằng lái xe của ông bà?
Thật ra bản thân tuổi tác không quyết định việc lái xe an toàn, mà là chức năng vận động! Người già gặp phải nhiều bất lợi: thị lực kém, thính lực cũng kém, viêm xương khớp, phản ứng vụng về hơn… (không phải ai cũng như nhau). Tuy nhiên, tại Singapore và Hong Kong, người ta bắt buộc tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông trên 65 và 70 tuổi phải trải qua một cuộc kiểm tra y tế.
Khi ông bà, bố mẹ bạn đã yếu đi, nhiều khả năng sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh khi điều khiển xe, thì hãy khéo léo thu lại bằng lái. Hãy nói cho các cụ hiểu, cương quyết nhưng đồng thời cũng đừng đối xử với người lớn như những đứa trẻ chưa tự mình làm được gì.
9. Anh chị em từng cãi nhau như chó với mèo liệu có thể hòa thuận?
Bạn thấy các con mình suốt ngày chành chọe nên rất lo lắng, phải không? Nhưng bạn hãy cứ nhớ lại chính kinh nghiệm của mình mà xem – bạn với các anh chị em của mình ngày nhỏ thế nào và bây giờ ra sao thì biết.
Tất cả các chuyên gia đều nói rằng chuyện anh chị em chành chọe cãi nhau là bình thường, vấn đề là bố mẹ xử lý ra sao. Trong trường hợp này, quan trọng nhất là đừng thiên vị, đừng chia phe, đừng bao giờ truy ra ai khơi chuyện gì và thế nào là công bằng nhất. Hãy phạt cách ly tất cả “các bên tham gia”, mỗi đứa ra một góc. Có trường hợp những đứa trẻ bị tách vào những phòng riêng, thế là chúng đã rủ nhau “sáng chế” bộ điện thoại ống bơ để tiếp tục liên lạc; nguyên nhân gây cãi vã, đánh nhau hoàn toàn không còn ai nhớ nữa.
10. Sao chúng ta vẫn cứ giống bố mẹ mình dù đã thề là không như thế?
Câu trả lời đơn giản lắm: Bởi vì thật sự là, dù nói gì thì nói, chúng ta vẫn yêu quý và ngưỡng mộ họ.
11. Tiền có mua được hạnh phúc?
Không, bởi vì hạnh phúc không phải để bán. Chúng ta thường bị mắc trong cái hố không đáy của những ham muốn để rồi lúc nào cũng than vãn vì chưa có cái này, cái kia nên không hạnh phúc nổi. Nhưng nếu bình tĩnh, suy nghĩ khách quan một chút, và quan sát cuộc sống xung quanh, thì không khó gì để nhận ra sướng hay khổ chẳng liên quan mấy đến tiền ít hay nhiều. Hạnh phúc chỉ có thể do chính bạn và những người yêu quý bạn đem lại mà thôi. Nếu bạn có dư tiền để mua du thuyền hạng sang mà chẳng có bạn bè đi cùng, thì cũng hãy cẩn thận kẻo buồn chết mất đấy.
12. Khi nào bạn nên bật mí một bí mật?
Khi bí mật này liên quan đến sự an toàn và nguy hiểm. Người nhờ bạn giữ bí mật có thể gặp nguy hiểm hay bị tổn thương, hay bí mật này có thể làm tổn thương người khác không? Nếu có, bạn hãy can thiệp đi; còn nếu không thì hãy giữ mồm giữ miệng nhé.
13. Một người tằn tiện và một người thích tiêu tiền có thể nào chung sống với nhau?
Có chứ! Tuy nhiên, mâu thuẫn liên quan đến tiền là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tan vỡ hôn nhân, nên các chuyên gia khuyên các bạn luôn cần thảo luận với nhau; hãy luôn nghĩ và nói cho “chúng ta” thay vì “cho anh, của anh” hay “cho em, của em”.