Đối mặt với Khủng hoảng tuổi lên 2 của con, mẹ phải làm sao?

0
3156

Khi con lên 2 cũng là thời điểm ba mẹ sẽ phải đối mặt với những tình huống khó hiểu, bực tức với con. Vì ở tuổi này con bắt đầu học, tiếp thu và muốn được tự làm theo ý mình nhưng chưa biết nói rõ, chưa làm được nên ngay lập tức khóc, cáu giận, chống đối. Đây được xem là khủng hoảng tuổi lên 2, ba mẹ hãy kiên nhẫn và có cách xử trí hợp lý để cùng con vượt qua thời kỳ này nhé.

Khái niệm khủng hoảng tuổi lên 2

Thời điểm từ 1 đến 3 tuổi bé bắt đầu phát triển đầy đủ về thể chất và trí não. Bé háo hức khám phá xung quanh và muốn độc lập làm mọi thứ,học hỏi các kỹ năng như vận động (đi, nhảy, leo); học giao tiếp, biểu đạt cảm xúc,…

Nhưng vì các kỹ năng chưa phát triển đầy đủ và không thể giao tiếp rõ ràng nên bé không thể làm được việc như mong muốn, và cộng thêm dưới sự “hỗ trợ không đúng ý” của mẹ khiến mọi chuyện xáo trộn lên, mẹ không hiểu ý bé, bé lắc đầu- quấy khóc. Vậy là khủng hoảng xảy ra.

Tóm lại, khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn cho bé thử nghiệm, độc lập và học cách truyền đạt nhu cầu của mình và đôi khi mong muốn đó có thể khác với mọi người.

Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2

Thể hiện cảm xúc bằng cơn giận dữ

Cơn giận đến với các bé biểu hiện như giận dỗi, ăn vạ, làu bàu, gào khóc ,… và thậm chí còn đánh, đá, cắn, ném đồ đạc,.. 

Theo nghiên cứu từ năm 2003, ước tính khoảng 75% cơn giận dữ ở trẻ từ 18-60 tháng kéo dài từ 5 phút trở xuống.

Bé thể hiện cảm xúc bằng sự chống đối

Bé chống đối (từ chối) không muốn mẹ giúp leo cầu trượt, không muốn mẹ mặc quần áo, cầm thìa đút ăn,… Sao tự nhiên bé lại bướng bỉnh như thế?

Đây là lý giải việc bé mong muốn được thực hành các kỹ năng mới. Dù kỹ năng chưa hoàn toàn hoàn thiện nhưng con vẫn muốn tự làm.

Trải nghiệm được làm và vấp ngã, tiếp tục làm lại sẽ giúp bé học được cách làm độc lập tốt hơn.

>>> Có thể bạn quan tâm: Kiểu cha mẹ điển hình khiến con không tự lập

Bé có tâm trạng thất thường

Trong giai đoạn này mẹ sẽ thường xuyên chứng kiến tình huống con đang chơi vui vẻ nhưng một phút chốc lại la hét, khóc lóc không ngừng. Tất cả là hệ quả của sự thất vọng khi muốn tự làm nhưng không đủ kỹ năng cần thiết.

Mẹ hãy chuẩn bị tinh thần mới mỗi đợt nổi loạn vô cớ ở nhà/ở nơi công cộng.

Bé liên tục nói “KHÔNG”

Sẽ có những tình huống bé nói “không” khiến mẹ rơi vào trạng thái bối rối. Ví dụ như cho bé ăn bánh, cho bé đồ chơi, cho bé đồ mới,… 

Bé có biểu hiện khóc đêm và biếng ăn

Bé ham trải nghiệm những điều mới lạ và quên việc ăn đủ, ngủ đủ. Điều này dẫn tới có đôi khi bé vừa đói vừa buồn ngủ nhưng không biết làm sao cho mẹ hiểu, và ăn vạ, khóc lóc là cách cuối cùng.

Thời điểm khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu và kết thúc

Khủng hoảng tuổi lên 2 thường bắt đầu từ 18 đến 30 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 3 tuổi. 

Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm bớt khi trẻ phát triển tốt về kỹ năng ngôn ngữ, hiểu về các quy tắc, cách thức truyền đạt mong muốn.

Cách khắc phục khủng hoảng tuổi lên 2

Ba mẹ cùng bé vượt qua giai đoạn này dễ dàng bằng các cách sau đây:

  • Lịch trình sinh hoạt nhất quán và khoa học: Đảm bảo cho bé được ăn uống đầy đủ thực phẩm dinh dưỡng, nghỉ ngơi đúng cách để bé có sức khỏe và tinh thần tốt
  • Sắp xếp đồ đạc trong nhà phù hợp để bé có cơ hội khám phá môi trường xung quanh thỏa thích nhưng vẫn đảm bảo giữ an toàn cho bé
  • Người lớn thống nhất cách xử lý khi có vấn đề xảy ra
  • Ghi nhận vấn đề và không phán xét
  • Gợi ý giải pháp cho bé. Người lớn đưa ra 2 giải pháp để bé có quyền lựa chọn
  • Mẹ có thể làm mẫu và thực hiện cùng bé. Bằng sự kiên nhẫn, sự quan sát và đồng hành thực hiện của mẹ thì bé sẽ dần thấy mọi vấn đề đều có giải pháp

  • Đặt ra giới hạn và nhất quán trong mọi tình huống, tránh nhượng bộ quá đà sẽ dẫn đến tâm lý bé sử dụng biện pháp ăn vạ để đạt được mong muốn
  • Người lớn luôn giữ bình tĩnh và mềm mỏng: Không la mắng, quát nạt con, mẹ hãy công nhận cảm xúc bé đang trải qua và nhẹ nhàng xoa dịu cảm xúc nổi loạn lúc đó. Trong khi bé nổi loạn, chọn 1 góc yên tĩnh và ngồi bên cạnh con, cho con thời gian để tiết chế cảm xúc tiêu cực
  • Tạo cơ hội cho bé làm mọi việc nhưng trong giới hạn cho phép: Khi bé làm mẹ có thêm lời khen ngợi và đôi khi có thể giao việc nhỏ vừa sức để bé tự làm. Kiên nhẫn để bé làm một việc hoàn tất dù chưa hoàn thiện thay vì làm thay cho bé
  • Báo trước các sự việc sắp xảy ra để bé không bị đột ngột
  • Bé thường xuyên nói “Không”, mẹ sẽ:

+ Hỏi bé những câu mà bé có sự lựa chọn và được ra quyết định (thay vì nói 1 câu khẳng định và buộc bé làm theo mẹ)

+ Mẹ cũng tránh nói “Không” với bé

Cuối cùng, khủng hoảng là để bé học hỏi và phát triển chứ không phải để mẹ chịu đựng. Vì vậy, mẹ hãy cùng gia đình bình tĩnh đón nhận và bên cạnh bé trong giai đoạn khủng hoảng. Tất cả đều sẽ qua và mẹ sẽ thấy sự khôn lớn của con là niềm hạnh phúc của mẹ mỗi ngày.

Nguồn:tham khảo

Xem thêm:

>>> Bí quyết vệ sinh răng miệng cho trẻ 2 tuổi

>>> 10+ đồ chơi dành cho bé 2 tuổi phát triển trí não tốt nhất