DNSG Online: Chuỗi siêu thị mẹ và bé: Những “đứa trẻ” triệu đô

0
3523

Ba năm trở lại đây được xem là “mùa vàng” của các chuỗi siêu thị bán lẻ các sản phẩm phục vụ bà mẹ, trẻ em bởi tốc độ lẫn tần suất khai trương các cửa hàng, như Con Cưng, BiBo Mart hay Kids Plaza…

Mô hình chuỗi

Kênh phân phối sản phẩm mẹ và bé đang có ưu thế thuộc về các chuỗi siêu thị với mặt hàng đa dạng.

Tháng 4/2014, sau thành công của trung tâm mua sắm và dịch vụ cho bà mẹ, trẻ em Kids World tại Times City Hà Nội, Vingroup khai trương Kids Wolds thứ hai tại Vincom Center Đồng Khởi TP.HCM.

Với quy mô hơn 5.000m2, Kids World của Vingroup bán lẻ tất cả các sản phẩm phục vụ cho bà mẹ và trẻ em, từ đồ dùng gia đình, thời trang, nội thất… đến thực phẩm, xuất bản phẩm… Theo tiết lộ từ Tập đoàn, mô hình này đang được Vingroup hướng đến triển khai trên cả nước.

Vingroup là điển hình cho việc nắm bắt nhu cầu về một trung tâm mà khách hàng có thể mua sắm tất cả các trang thiết bị phục vụ bà mẹ, trẻ em, đang ngày một lớn dần. Bởi, trong vòng 3 năm qua, rất nhiều chuỗi siêu thị đã được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu này.

Trong khá nhiều cái tên được nhắc đến, Con Cưng là cái tên được khách hàng chú ý đến nhiều nhất hiện nay. Định hình là chuỗi siêu thị bán lẻ thời trang, đầm bầu, đồ dùng, đồ chơi, phụ kiện, thú bông, bỉm, tã, sữa, đồ ăn dặm, chăm sóc sắc đẹp… dành cho mẹ và bé, chỉ trong thời gian ngắn, Con Cưng đã gây dựng được chuỗi 44 cửa hàng ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Đắk Lắk, Lâm Đồng…

Theo tiết lộ từ Con Cưng, đơn vị này đang “Bắc tiến” để hoàn thành mục tiêu xây dựng chuỗi 400 siêu thị concung.com vào năm 2017. Con số khá là tham vọng của Con Cưng cũng phần nào nói lên được tính hấp dẫn của thị trường này.

Cùng với Con Cưng là hai cái tên Kids Plaza và Bibo Mart. Sau khi định hình được ở thị trường Hà Nội, hai thương hiệu kinh doanh cùng đối tượng khách hàng này nhanh chóng tấn công thị trường miền Nam. Hiện BiBo Mart đã chạm đến con số 16 cửa hàng ở hai trung tâm lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Theo sát là Kids Plaza với 13 và sắp đến là 14 cửa hàng trên các tỉnh – thành. Đại diện BiBoMart cho biết, trong tháng tới, đơn vị này sẽ khai trương thêm một cửa hàng tại Q.8, TP.HCM. Mục tiêu đang hướng tới là mở thêm 10 cửa hàng tại TP.HCM trong năm nay.

Lâu năm hơn cả trong việc kinh doanh chuỗi cửa hàng phục vụ mẹ và bé là M&B Care. Đơn vị này có đến 20 năm hình thành và phát triển, bắt nguồn từ TP.HCM, nhưng đến hiện nay M&B Care mới chỉ phát triển được chuỗi 13 cửa hàng với 10 ở TP.HCM và 3 cửa hàng vệ tinh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza, cho biết, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng dành cho các siêu thị bán đồ trẻ em do có dân số trẻ, hằng năm có hàng triệu trẻ em được sinh ra.

Tuy nhiên, mô hình này đang trong giai đoạn đầu, đối với các nhà cung cấp Việt Nam mới chỉ tập trung vào quần áo cho trẻ em, chưa đầu tư vào sản xuất đồ dùng an toàn như bình sữa, núm ti,… hoặc nếu có đầu tư thì chưa đáp ứng nhu cầu.

Khách hàng trẻ em cần đồ dùng có chất lượng cao đảm bảo an toàn. Các shop mọc ra chỉ chuyên doanh như quần áo, sữa, balo… vì vậy các siêu thị cung cấp từ A-Z cho trẻ em có nhiều thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy doanh số.

Thuận lợi về mặt khách hàng nhưng thách thức mà các chuỗi siêu thị mẹ và bé đối mặt cũng không nhỏ. Một trong những khó khăn là vấn đề mặt bằng. Quan sát việc “chọn đất gửi cửa hàng” của các thương hiệu trên, dễ thấy vị trí đắc địa nhất là khu vực xung quanh các bệnh viện phụ sản. Điển hình như trong bán kính 1 km của Bệnh viện Từ Dũ, đã có đầy đủ các “ông lớn”, những thương hiệu có quy mô nhỏ hơn khó thể chen chân.

Bên cạnh tập trung bán hàng, các đơn vị này còn đầu tư về mặt tương tác với khách hàng như Kids Plaza hay BiBo Mart còn cung cấp kiến thức nuôi con hay mạnh dạn mở thêm các lớp học như tiền sản, lớp ăn dặm, yoga… để thu hút khách hàng.

Chưa dừng lại ở đó, khi đã tạo được uy tín với khách hàng, tuy chưa chính thức nhưng tiết lộ từ các doanh nghiệp cho thấy, các chuỗi siêu thị cũng hướng đến sản xuất nhãn hiệu riêng với chiến lược an toàn hơn, giá tốt hơn để củng cố địa vị. Sự đầu tư của các thương hiệu cho thấy, thị trường kinh doanh sản phẩm mẹ và bé chỉ mới bắt đầu.

Những cái tên mớiSự phát triển của các chuỗi siêu thị mẹ và bé đã dọn đường cho hàng loạt thương hiệu nổi tiếng quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé vào Việt Nam. Điều này vô tình khiến thị trường trở thành “cuộc chơi” mà trong đó những thương hiệu nội địa dường như không dễ chen chân.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công ty CP Sản xuất – Dịch vụ đồ chơi Phương Nga, đơn vị phân phối độc quyền đồ chơi của Tập đoàn Mattel, Mỹ như Fisher Price, Viking Toys, Barbie… cho biết, những năm gần đây, nhu cầu về những sản phẩm phục vụ mẹ và bé tăng nhanh.

Dù có chịu ảnh hưởng của kinh tế khó khăn nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mở hầu bao cho các sản phẩm phục vụ bà mẹ, trẻ em. Dạo một vòng quanh khu vực Kids World của Trung tâm Thương mại Vincom B, rất dễ bắt gặp những chiếc áo, váy trẻ em có giá vài triệu đồng của Plum, Kiddyrabbit, Disney Princess…

Với đồ chơi hay những mặt hàng phục vụ sự phát triển theo từng giai đoạn của trẻ nhỏ như nôi, xe đẩy, thảm, ghế ăn đa năng… thì giá có lên đến 7 hay 8 triệu đồng vẫn được nhiều khách hàng đón nhận.

“Lĩnh vực này rất đặc biệt, những mặt hàng cao cấp vẫn được tiêu thụ nhanh, chỉ cần đảm bảo các tiêu chí an toàn cho sức khỏe. Ai cũng muốn con mình được dùng thứ tốt nhất, an toàn nhất”, bà Thảo chia sẻ.

Tất nhiên, với tâm lý chung của khách hàng hiện nay, đáp ứng được những nhu cầu đó thường phải là những thương hiệu đến từ các quốc gia phát triển, có hệ thống kiểm định chất lượng nghiêm ngặt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức…

Đón đầu được nhu cầu thị trường, trong năm 2014, nhiều nhãn hàng danh tiếng cũng đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Nhật Bản. Đang có nhiều hoạt động marketing hơn cả là nhãn hàng tã giấy Merries, kế đó là nước giặt Arau, thực phẩm Morinaga, Meiji, chăm sóc vệ sinh Yejimiin…

Thậm chí, có cả một hệ thống siêu thị mẹ và bé chuyên hàng của Nhật Bản là Soc&Brothers. Phát triển 5 siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, Soc&Brothers cung cấp cho khách hàng Việt Nam từ cái bông tăm, tã, sữa, quần áo… đến các thiết bị điện tử, gia dụng… nhập khẩu từ Nhật.

Chỉ mới 5 năm kể từ ngày thành lập, tốc độ phát triển của Soc&Brothers cũng phần nào chứng tỏ vị trí của hàng Nhật trong lựa chọn hàng hóa lĩnh vực này của khách hàng Việt Nam.

Ở lĩnh vực thực phẩm lại là cuộc chạy đua của các thương hiệu mới, đến từ châu Âu. Hipp, Humana, Heinz, Monte, Mont Blanc… là những cái tên đang chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc sữa bột, váng sữa, thực phẩm ăn dặm cho bé.

Không chỉ đến Việt Nam bằng con đường thông qua các công ty xuất nhập khẩu, có thương hiệu đặt cả “bản doanh” tại Việt Nam, như trường hợp của Humana chẳng hạn.Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza, nhận định: “Việc các thương hiệu lớn vào Việt Nam chứng minh doanh số của thị trường đã đủ lớn để doanh nghiệp phải có mặt “chăm sóc”. Từ việc xuất hiện chỉ qua con đường “xách tay” đến nay đã “đường đường chính chính”, chứng tỏ sức tiêu thụ đang lớn dần”.

Đáng tiếc, trong thị trường này, dường như, sân chơi chỉ dành cho người đến từ muôn hướng. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã và đang ngậm ngùi nhìn miếng bánh ngon rơi vào tay khách lạ.

Ảo đấu thật

Không bị giới hạn bởi mặt bằng, nhân lực…, những cửa hàng trực tuyến chuyên kinh doanh hàng hóa phục vụ bà mẹ, trẻ em mở ra như nấm sau mưa. Bất chấp thương mại điện tử ở Việt Nam phần lớn là thanh toán trực tiếp khi giao hàng (COD), những trang bán sản phẩm dành cho mẹ và bé qua mạng vẫn đủ lực để trở thành đối thủ đáng gờm của các chuỗi siêu thị.

Nếu chuỗi các siêu thị phục vụ mẹ và bé đang ngày một hiện diện nhiều hơn ngoài đời thật thì trên mạng xã hội, các trang bán hàng cho mẹ và bé xuất hiện nhiều và liên tục nhất. Làm một phép tìm kiếm nhỏ, cho thấy hàng trăm website đang kinh doanh hạng mục này, như Tuticare, Babydeal, Babi…

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam có doanh số 2,5 tỷ USD hằng năm.Với tiềm năng đạt đến quy mô 5 tỷ USD trong tương lai gần, theo Nkind và FTA, các thị trường có nhu cầu bùng nổ là giáo dục, sức khỏe, giải trí.

Ngay như trang web cộng đồng webtretho của Công ty CP Dịch vụ thông tin Trẻ Thơ cũng mạnh dạn lấn sân vào kinh doanh phục vụ mẹ và bé tại trang mua sắm trực tuyến Beyeu.com và Foreva.vn. Tận dụng được nguồn khách hàng khổng lồ của webtretho nên tốc độ phát triển của hai trang bán hàng này khá cao.Trực tiếp đặt hàng trên trang web Beyeu.com, chúng tôi vào vai một khách hàng khó tính bằng cách thay đổi liên tục đơn hàng nhưng đội ngũ tư vấn online vẫn kiên nhẫn phục vụ. Không chỉ “ghi điểm” bằng việc phục vụ nhanh chóng, trang web này còn tạo ấn tượng bởi cách đóng gói sản phẩm cẩn thận, chuyên nghiệp.

Tương tự, với trang Babydeal, Tuticare…, khách hàng cũng được mang sản phẩm đã đặt đến tận nơi, hài lòng với sản phẩm mới nhận và thanh toán. “Phương thức mua sắm như vậy rất thích hợp với người có con mọn như tôi, không có nhiều thời gian đến các cửa hàng”, chị Ngân Hạnh, nhân viên kinh doanh một công ty phát hành sách chia sẻ.

Không chỉ các website, trên những sàn giao dịch điện tử, số lượng shop online chuyên kinh doanh các mặt hàng mẹ và bé cũng rất đông đảo. Ông Trần Hải Linh, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch Sendo.vn tiết lộ, trong hơn 10.000 shop tại Sendo.vn và khoảng 70.000 shop đang hoạt động tại 123mua.vn thì lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là thời trang nam nữ, sản phẩm phục vụ mẹ và bé.

“Đây là ngành hàng chiến lược không ngừng tăng trưởng tại Sendo trong năm 2014 về cả số lượng đơn hàng và giá trị giao dịch”, ông Linh chia sẻ. Chợ càng đông thì áp lực bán hàng càng lớn. Đó cũng chính là lý do vì sao ban quản trị Sendo liên tục thiết kế và vận động các shop tham gia tổ chức chương trình khuyến mãi, thu hút sự chú ý của khách hàng.

Không bỏ lỡ xu hướng, các web bán hàng mẹ và bé cũng cạnh tranh nhau sát sao từ giá bán và các chương trình khuyến mãi. Thậm chí là khuyến mãi theo từng ngày trong tuần hay giờ vàng trong ngày để cạnh tranh.

“Cuộc chiến” trên website càng nhộn nhịp hơn bởi những thương gia trong ngành dù đã có chuỗi cửa hàng nhưng vẫn rất chăm chút cho việc trang bị và vận hành hệ thống thương mại điện tử để khách hàng có thể đặt hàng qua mạng. Hệ thống siêu thị Mẹ và bé 1080 tại thị trường TP.HCM đã có 5 chi nhánh thì trong đó đã có 2 chi nhánh bán hàng qua mạng.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza chia sẻ: “Song song với việc phát triển hệ thống rộng rãi hơn thì phát triển website thương mại điện tử chính là chiến lược để đảm bảo an toàn cho việc kinh doanh. Ngoài việc tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng mua sắm, đầu tư kinh doanh trực tuyến còn giúp DN lấy được khách hàng ở các tỉnh”.

Mức độ cạnh tranh cao như thế nhưng hầu như doanh nghiệp trong ngành, dù kinh doanh online hay offline không có dấu hiệu chùn bước mà đều nỗ lực hết mình.

“Đây là một thị trường không ngừng tăng trưởng với nhu cầu đa dạng từ khách hàng, cả kinh doanh truyền thống và online đều có cơ hội ngang nhau nếu đáp ứng được về chủng loại hàng hóa phong phú cũng như chất lương dịch vụ chăm sóc khách hàng”, ông Trần Hải Linh nhấn mạnh.

PHƯƠNG QUYÊN – ĐẶNG QUÝ YÊN