Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện, triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan công an xác định có 573 nhãn hiệu sữa giả, sữa kém chất lượng dành cho trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, người bị, suy thận,… đã có mặt rộng rãi, được phân phối qua cửa hàng bỉm sữa, hệ thống siêu thị… tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tác hại cửa sữa giả đối với sức khỏe
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và các phụ gia không được kiểm soát chặt chẽ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Những rủi ro này bao gồm: dị ứng, ngộ độc cấp hoặc mãn tính, rối loạn tiêu hóa, viêm đường ruột, ảnh hưởng chức năng gan – thận. Về lâu dài, các chất độc và kim loại nặng có thể tích tụ trong cơ thể, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người mắc bệnh nền.
Các sản phẩm sữa giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính, làm mất đi sự tin tưởng và phát triển của ngành sữa Việt Nam.
Sữa giả của công ty nào sản xuất?
Cơ quan chức năng cho biết, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group là hai đơn vị cầm đầu trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh các nhãn hiệu sữa bột giả do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà điều hành.

Để mở rộng hoạt động sản xuất và phân phối, các đối tượng còn liên kết mở ra 9 công ty khác để cùng tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối, gồm:
– Công ty CP dược quốc tế Group.
– Công ty CP dược quốc tế Big Four Pharma.
– Công ty CP dược quốc tế Long Khang Group.
– Công ty CP dinh dưỡng y học BFF.
– Công ty CP dược quốc tế Safaco Group.
– Công ty CP dược quốc tế Darifa Group.
– Công ty CP dược quốc tế Win CT.
– Công ty CP dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang.
– Công ty CP dược Nasaka Á Châu.
Tổng hợp tên các loại sữa giả trên thị trường cần tránh
Một số loại sữa giả phổ biến được bày bán và phân phối trôi nổi trên thị trường cần tránh gồm:
– Cilonmum: Gồm nhiều loại sữa giả dành cho trẻ em, người tiểu đường, bà bầu… do Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối.
– Talacmum: Gồm nhiều loại sữa giả được quảng cáo có các thành phần Canxi, vitamin D3, axit Folic. Đây là các sản phẩm của Hacofood Group.
– Colos 24H Premium: Dòng sản phẩm như Colos 24h Premium Kid Baby dành cho trẻ sơ sinh. Được sản xuất và phân phối bởi Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma.
– NewSure Colos 24H Kid Plus: Dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi.
– Baby Care Colostrum Kid: Dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi.
– Bold Milk: Bao gồm Bold Milk For Mum Colostrum và Bold Milk Glu Sure Colostrum.
– Sure IQ Sure Gold: Sản phẩm dinh dưỡng cho cả gia đình.
– Nance: Bao gồm Nance Colostrum 24H Kid và Nance Goat Pedia.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Về chất lượng, các dòng sữa bột đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Do trên thị trường xuất hiện nhiều loại sữa bột giả với tên thương hiệu gần giống nhau, gây khó khăn cho ba mẹ khi lựa chọn sản phẩm chất lượng. Để tránh mua phải hàng giả, ba mẹ nên kiểm tra kỹ các thông tin trên bao bì như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ công ty sản xuất, số điện thoại liên hệ, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, cũng như bảng thành phần dinh dưỡng. Đặc biệt, với các sản phẩm sữa nhập khẩu, bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định.
Ba mẹ tuyệt đối không nên mua hoặc sử dụng sữa nếu phát hiện bao bì in mờ, lem nhem, thiếu sắc nét; có dấu hiệu bị chỉnh sửa, tẩy xóa; hoặc hộp sữa bị móp méo, không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng giả.