clip hãi hùng về phương pháp yoga cảm giác mạnh cho trẻ sơ sinh

0
2404

Đoạn clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ tắm cho trẻ sơ sinh “quay như chong chóng” gây ra nhiều tranh cãi trên khắp thế giới. Có người gọi nó là phương pháp yoga giúp trẻ khỏe mạnh, có người coi đây là hành động ngược đãi trẻ em đáng bị lên án.

Đoạn clip tắm em bé được đăng tải trên mạng xã hội Facebook đã khiến người xem bị sốc vì phương pháp khá kì lạ. Người phụ nữ giấu mặt dùng hai tay mình cầm tay em bé nhúng lên nhúng xuống một thùng nước, sau đó còn xoay vòng vòng và lắc lư đủ mọi tư thế. Người này còn xoay tròn em bé trong không trung, rồi lộn ngược đầu em bé xuống và tiếp tục quy trình tắm đầy “cảm giác mạnh” của mình trong khi em bé liên tục gào khóc.

Video được cho là đang áp dụng phương pháp yoga dành cho trẻ sơ sinh.

Đoạn clip đã chia dư luận ra hai luồng ý kiến. Có người cho rằng đây là phương pháp yoga giúp cho cơ thể bé dẻo dai, khỏe mạnh ngay từ lúc nhỏ. Trong khi đó, rất nhiều người kịch liệt phản đối cách làm kì lạ này và cho rằng đây là hành vi ngược đãi trẻ em, là phản khoa học và đáng bị lên án. Một số tổ chức bảo vệ trẻ em yêu cầu Facebook gỡ đoạn clip này xuống vì nội dung phản cảm và lo ngại nó sẽ cổ súy cho những hành động lạm dụng trẻ em tương tự.

Thực hư phương pháp “yoga xoay” dành cho trẻ sơ sinh

Đây không phải là đoạn clip duy nhất gây tranh cãi xung quanh bài tập yoga “cực đoan” này. Từ trước đó đã xuất hiện các clip tắm cho trẻ sơ sinh theo cách này và vấp phải sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Thực chất, đây là phương pháp yoga dành cho trẻ sơ sinh do nhà trị liệu, giáo viên thể dục người Nga – Lena Fokina khởi xướng và từng gây ra rất nhiều tranh cãi sau khi một đoạn clip giới thiệu về phương pháp này được đăng tải cách đây 3 năm.

Lena Fokina và những bài tập Yoga cho trẻ.

Bà Lena – người đã bảo vệ luận án thạc sĩ chuyên ngành giáo dục thể chất tại Đại học Văn hóa Thể thao Moscow đã thực hiện những động tác tung, lắc trên không trung rất mạo hiểm với đứa trẻ chỉ vài tuần tuổi và tuyên bố bà từng sử dụng nó cho những đứa con của mình cách đây 30 năm. Bà cũng tổ chức các buổi hội thảo với mục đích phổ biến nó cho người dân Anh.

Theo Lena, phương pháp này đã từng được thực hiện bởi một bộ lạc châu Phi cổ đại và khá phổ biến ở Nga, và bà cùng người cộng sự là tiến sĩ Igor Charkovsky đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Parenting the Deliberate Way sáng tạo và hoàn thiện những động tác hiện đại. Bà một mực khẳng định phương pháp này rất tốt và an toàn đối với trẻ em.

Ngoài ra bà cũng khẳng định đã lần lượt áp dụng phương pháp này với 5 đứa con của mình từ khi còn rất nhỏ và cả 5 đứa trẻ giờ đều đã trưởng thành khỏe mạnh, thành đạt.

tranh-cai-xung-quanh-phuong-phap-yoga-cam-giac-manh-danh-cho-tre-so-sinh_b1535cee76 (1)

Lena tin rằng đứa trẻ sẽ không hề gì với những động tác như thế này.

Phương pháp này ban đầu được phát triển để chữa trị cho những đứa trẻ có vấn đề về cơ bắp, xương, tuy nhiên nó cũng phù hợp với trẻ khỏe mạnh. Những động tác này được thiết kế để cải thiện khả năng và sự phát triển cơ bắp của trẻ. Những đứa trẻ này thường biết đọc, hát, nói và bơi sớm”, Lena cho biết.

Lợi bất cập hại từ phương pháp “yoga xoay”

Các chuyên gia lo ngại phương pháp này sẽ khiến trẻ mắc phải hội chứng rung lắc, được biết đến với tên SBS (Shaken Baby Syndrome), hay tổn thương não lạm dụng, một hội chứng thường gặp khá nguy hiểm và thường xảy ra đối với trẻ dưới 8 tháng tuổi. Ở Mỹ có khoảng 2000 trẻ tử vong mỗi năm vì hội chứng này, theo nghiên cứu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh OCDP.

Hội chứng này xảy ra khi trẻ bị rung lắc mạnh, nhất là các động tác tung hứng hay quay vòng tròn quá mạnh. Ở độ tuổi sơ sinh, não bộ chưa phát triển nhiều, lại nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Do đó, khi bị rung lắc quá đà, khối não có thể bị va đập vào hộp sọ gây ra những tổn thương nghiêm trọng như phù não. Trẻ còn có thể bị tổn thương mạch máu và dây thần kinh. Nguy hiểm hơn, những tổn thương này xảy ra khi bị rung lắc có thể khó phát hiện ngay, vì có khi trẻ không cho thấy những biểu hiện gì. Trong khóa học của Lena, hầu như trẻ đều gào khóc, la hét, một số thì nôn mửa.

tranh-cai-xung-quanh-phuong-phap-yoga-cam-giac-manh-danh-cho-tre-so-sinh_aec09c6c36

Nhiều người lo sợ khả năng trẻ có thể bị tổn thương não nghiêm trọng vì bị rung lắc quá mạnh. Họ còn gọi hành động này là “tra tấn” hay “độc ác”.

Ngoài ra, nhiều người tỏ ra lo ngại và “thót tim” trước mỗi động tác tung hứng của phương pháp này vì chẳng may nếu tuột tay, trẻ sẽ bị văng ra xa và gặp các chấn thương nghiêm trọng khác.

Hơn nữa, việc quá mạnh tay trong các thao tác có thể khiến trẻ bị tổn thương tinh thần vĩnh viễn không khác gì khi bị bạo hành. Trẻ sẽ sợ hãi mỗi khi được rung lắc, hoặc nặng hơn sẽ ám ảnh về những hành vi này về lâu dài.

Theo Francoise Freedman, nhà nhân chủng học làm trong lĩnh vực y tế của trường đại học Cambridge, Anh, người sáng lập Birthlight Trust, nơi giới thiệu hình thức “yoga trẻ em” (Baby yoga) lần đầu vào năm 1996, đoạn clip tắm trẻ sơ sinh thực chất không phải là “baby yoga”, mà là một hành vi bạo hành trẻ em một cách “dã man”.

Nguồn: Mirror, Dailymail, Birthlight