Trong những tháng đầu đời, bé sơ sinh chủ yếu được nuôi bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi bé đạt 6 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé làm quen với các món ăn dặm đa dạng. Lập một thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng sẽ giúp thay đổi khẩu vị thường xuyên. Hãy tham khảo ngay các thực đơn dinh dưỡng trong bài viết này, mẹ nhé!
Nội dung chính
Những loại thực phẩm nên có trong thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng
Khi bắt đầu ăn dặm, việc đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bé là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Do đó, thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng cần chú ý đến việc bổ sung đủ các nhóm dưỡng chất sau:
- Chất đạm: Có trong cá, trứng, thịt bò và các loại đậu.
- Tinh bột: Có trong khoai lang, ngũ cốc, mì ống, bánh mì và khoai tây.
- Vitamin: Tìm thấy trong các loại rau củ và trái cây.
- Chất béo: Được tìm thấy nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật, bơ và mỡ động vật.
Đây là 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu và quan trọng nhất. Bên cạnh đó, trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ cũng nên bổ sung thêm:
- Sắt: Có trong các loại đậu tây, đậu đen và các loại rau có màu xanh đậm.
- Vitamin D: Bổ sung từ nguyên liệu cá hồi trong bữa ăn và tiếp tục sử dụng thực phẩm chức năng để cung cấp vitamin D cho bé.
Tham khảo:
- Mách mẹ top cháo thịt bò ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi
- Mách mẹ thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 8-9 tháng tuổi
Lời khuyên khi cho bé 6-7 tháng bắt đầu ăn dặm
Khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng, cha mẹ cần lưu ý một số khuyến nghị từ chuyên gia để đảm bảo quá trình ăn uống của con diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Để bé hợp tác vui vẻ và có trải nghiệm ăn dặm thoải mái, mẹ nên thực hiện các bước sau:
- Ghế ăn dặm: Nên chọn ghế phù hợp với chiều cao và độ tuổi của bé. Nếu bé chưa ngồi vững, mẹ có thể bế bé khi cho ăn.
- Dụng cụ ăn uống: Sử dụng bát, thìa và dĩa làm từ chất liệu an toàn cho bé như nhựa cao cấp hoặc silicone.
- Khăn lau: Chuẩn bị khăn xô hoặc khăn sữa để lau miệng cho bé sau khi ăn.
- Thời gian ăn: Nên cho bé ăn vào buổi sáng khi bé cảm thấy đói giúp bé dễ tiếp nhận thức ăn mới.
- Thực đơn: Bắt đầu với cháo loãng từ các loại rau củ như bí đỏ, cà rốt, khoai lang,…
- Lượng thức ăn: Khởi đầu với khoảng 3 thìa cà phê, sau đó tăng dần theo nhu cầu và khả năng của bé.
Thực đơn 7 ngày ăn dặm cho bé 6-7 tháng
Thứ 2: Bơ nghiền
Bơ là loại trái cây giàu vitamin C, A và các khoáng chất như magie, canxi, kali rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với kết cấu mềm mịn, bơ rất dễ chế biến thành các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi.
Nguyên liệu:
- 1 quả bơ (tách hạt và lấy phần thịt)
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm: Dùng muỗng nạo phần thịt bơ ra khỏi vỏ. Nghiền nhuyễn bơ bằng thìa hoặc máy xay tay. Thêm một chút sữa mẹ hoặc sữa công thức vào bơ đã nghiền và trộn đều cho đến khi hỗn hợp đạt độ sệt phù hợp với bé..
Thứ 3: Cháo cải ngọt và đậu phụ non
Rau cải ngọt giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa còn non yếu của bé. Khi kết hợp với đậu phụ non, món cháo không chỉ cân bằng cholesterol mà còn giàu protein, omega-3 và axit amin rất tốt cho sự phát triển của bé.
Nguyên liệu:
- Rau cải ngọt đã rửa sạch
- 50g đậu phụ non
- 1 thìa dầu ăn dành cho bé
Cách làm: Luộc rau cải ngọt cho chín mềm, sau đó băm nhuyễn. Sau đó,nghiền đậu phụ non cho mịn. Nấu cháo trắng, khi cháo chín cho rau cải và đậu phụ vào khuấy đều. Thêm 1 thìa dầu ăn và khuấy đều trước khi cho bé thưởng thức.
Thứ 4: Cháo yến mạch rau củ
Yến mạch chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ thần kinh và miễn dịch cho bé. Đặc biệt, yến mạch rất dễ tiêu hóa và an toàn, phù hợp cho bé sơ sinh. Khi kết hợp với cà rốt và khoai lang, món cháo này mang đến sự phát triển toàn diện cho bé.
Nguyên liệu:
- 20g cà rốt
- 20g khoai lang
- 30g yến mạch
Cách làm: Gọt vỏ và cắt nhỏ cà rốt, khoai lang sau đó hấp hoặc luộc chín. Sau đó nghiền nhuyễn cà rốt và khoai lang. Ngâm yến mạch trong nước khoảng 10 phút cho mềm rồi nấu với nước cho đến khi sánh. Khi yến mạch đã chín, thêm cà rốt và khoai lang nghiền vào và khuấy đều.
Thứ 5: Bột ăn dặm thịt gà khoai lang
Thịt gà giàu đạm và các vitamin như A, C, B12 rất tốt cho sự phát triển trí não và thể lực của bé. Ngoài ra, thịt gà còn cung cấp nhiều khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, giữ cho bé khỏe mạnh từ bên trong. Bột ăn dặm thịt gà kết hợp với khoai lang là món ăn dinh dưỡng phù hợp cho bé 6-7 tháng tuổi.
Nguyên liệu:
- 150g thịt nạc ức gà
- Khoai lang đã lột vỏ
Cách làm: Đầu tiên, luộc thịt gà cho chín sau đó băm nhuyễn hoặc xay mịn. Hấp hoặc luộc khoai lang cho đến khi chín mềm, rồi nghiền nhuyễn. Nấu bột hoặc cháo trắng, sau đó cho thịt gà và khoai lang đã nghiền vào khuấy đều. Khuấy cho đến khi hỗn hợp đạt độ sệt phù hợp có thể thêm chút nước luộc gà để tăng hương vị.
Thứ 6: Cháo cá hồi và cà rốt
Cà rốt giàu carotene – chất có thể chuyển hóa thành vitamin A hỗ trợ hệ miễn dịch của bé. Cá hồi là nguồn cung cấp dồi dào omega-3 giúp phát triển hệ tim mạch khỏe mạnh. Cháo cá hồi là món ăn dinh dưỡng phổ biến trong thực đơn ăn dặm, giúp bé 6-7 tháng tăng cân một cách lành mạnh.
Nguyên liệu:
- ½ củ cà rốt
- 100g thịt cá hồi
- 1 thìa dầu ăn thực vật hoặc dầu ô liu
Cách làm: Gọt vỏ và cắt nhỏ cà rốt, sau đó luộc hoặc hấp chín mềm và nghiền nhuyễn. Hấp hoặc luộc cá hồi, sau đó xé nhỏ hoặc băm nhuyễn. Nấu cháo trắng, khi cháo gần chín thì thêm cà rốt và cá hồi vào khuấy đều. Thêm 1 thìa dầu ăn thực vật hoặc dầu ô liu, tiếp tục khuấy đến khi cháo đạt độ sệt mong muốn.
Thứ 7: Bột khoai tây
Khoai tây là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và có tính kiềm giúp giảm nồng độ axit trong cơ thể và cân bằng hệ tiêu hóa của bé. Ngoài ra, khoai tây còn cung cấp một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất cần thiết, hỗ trợ sự phát triển toàn diện.
Nguyên liệu:
- 50g khoai tây (đã rửa sạch)
- Sữa công thức hoặc sữa mẹ
Cách làm: Mẹ rửa sạch khoai, nạo vỏ, sau đó hấp hoặc luộc chín rồi nghiền nhuyễn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nướng khoai để tạo hương vị đặc biệt hơn. Sau khi nghiền, cho khoai vào nồi nấu nhỏ lửa cùng với sữa đã chuẩn bị. Khi hỗn hợp chín và sánh, tắt bếp, rây mịn và để nguội bớt trước khi cho bé ăn.
Chủ nhật: Cháo bí đỏ nghiền và sữa
Bí đỏ là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, C và chất xơ giúp hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé. Món cháo bí đỏ nghiền kết hợp với sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ mang đến bữa ăn bổ dưỡng và dễ tiêu hóa cho bé ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm.
Nguyên liệu:
- 1 chén bí đỏ cắt nhỏ
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm: Trước tiên đi hấp bí đỏ cho đến khi chín mềm. Rồi nghiền nhuyễn bí đỏ đã hấp.
Trộn bí đỏ nghiền với sữa mẹ hoặc sữa công thức đến khi đạt độ sệt phù hợp với bé.
Trên đây là một số thực đơn ăn dặm cho bé 6-7 tháng mà mẹ có thể tham khảo và thực hiện. Các món ăn dặm thường rất đơn giản trong khâu chế biến nên mẹ hãy thường xuyên thay đổi nguyên liệu để bé làm quen. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể lựa chọn các loại bột ăn dặm được làm sẵn từ những thương hiệu uy tín trên thị trường.
Bài viết liên quan:
>>>Top 7 bột ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi thơm ngon, bổ dưỡng
>>>7 cách nấu cháo cua biển cho bé ăn dặm mẹ nên biết
>>>Top 5 cách nấu mì somen ăn dặm cho bé ngon mê ly