Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi là gì -gây nguy hiểm cho thai thế nào?

0
33665

Bất đồng nhóm máu Rh giữ mẹ và thai là điều cực kỳ nguy hiểm. Có thể gây sảy thai liên tiếp đối với người mẹ hoặc làm cho trẻ sau khi sinh bị bệnh tán huyết. Vì vậy trong thai kỳ mẹ cần phải kiểm tra xem nhóm máu của mình là gì để có hướng điều trị kịp thời.

xet-nghiem-mau-khi-mang-thai

Nhóm máu của mỗi người là khác nhau vì các protein đặc hiệu cho nhóm máu trên bề mặt tế bào hồng cầu là khác nhau. Có 4 nhóm máu: A, B, AB, O.

Mỗi nhóm máu trên còn được phân loại tiếp dựa trên vào sự hiện diện của những Protein khác trên bề mặt hồng cầu trong đó có yếu tố Rh. Nếu bạn có protein đặc hiệu này thì bạn là nhóm Rh(+), còn không có là Rh(-).

1. Bất đồng nhóm máu Rh

Hầu hết khoảng 85 % mọi người là Rh(+). Tuy nhiên nếu người mẹ có nhóm máu Rh(-) có con với người chồng có Rh(+) thì con của họ sẽ có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Vì 50% thai nhi trong trường hợp này có nhóm máu Rh(+) di truyền từ bố và sẽ phát triển trong cơ thể mẹ Rh(-). Trong trường hợp này:

+ Ở lần mang thai đầu tiên, hầu hết trẻ đều bình thường: nếu không có bất thường gì thì sự bất đồng yếu tố Rh này thường không gây ra vấn đề gì. Máu của thai nhi không bị trộn lẫn với máu của mẹ trong thai kỳ.
Tuy nhiên khi chuyển dạ máu của mẹ và máu của thai có thể hòa lẫn vào nhau. Khi đó cơ thể người mẹ lần đầu tiên gặp yếu tố Rh từ thai nhi, xem nó là kháng nguyên và bắt đầu sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố Rh

Người mẹ Rh(-) còn có thể tiếp xúc với yếu tố Rh và bị kích thích tạo ra kháng thể Rh nếu được truyền máu nhóm Rh(+), sẽ bị sảy thai hoặc có thai ngoài tử cung.

+Ở lần mang thai thứ 2 và sau đó: Kháng thể Rh trong máu mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nếu mẹ mang thai lần thứ 2 hoặc tiếp sau đó. Lúc này nếu thai vẫn có nhóm Rh(+) sự tiếp xúc lại với kháng nguyên sẽ kích thích tạo một lượng lớn kháng thể đủ để gây ra hiện tượng miễn dịch mạnh hơn, dẫn đến bệnh cảnh bất đồng nhóm máu Rh cho thai nhi thứ 2. Kháng thể máu mẹ qua nhau và tấn công hồng cầu thai nhi gây thiếu máu tán huyết, vàng da, nặng có thể gây suy tim, suy gan. Tình trạng này gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.

Trong trường hợp trước đó mẹ đã từng nhận máu của người có Rh(+), hoặc bị sẩy thai, hút nạo thai, thai ngoài tử cung, thực hiện các thủ thuật (như chọc dò ối,…), xuất huyết qua bánh nhau rộng trong tiền sản giật,… có nguy cơ dẫn đến trao đổi máu mẹ-thai mà thai lại có Rh(+) thì thai kỳ thứ nhất cũng sẽ bị bất đồng nhóm máu Rh nặng.

2. Ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào ?

Đối với trẻ mới sinh bất đồng nhóm máu Rh có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, có thể làm trẻ tử vong do các biến chứng của tán huyết và vàng da nhân.

–  Thể phù nhau thai: Đây là bệnh cảnh rất nặng. Trẻ bị vàng da ngay khi sinh, kèm theo gan lách to, phù toàn thân, thiếu máu nặng và suy tim. Thể này ít gặp và trẻ thường chết ngay sau sinh.

– Thể vàng da sớm: Trẻ bị vàng da trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Đây là thể thường gặp nhất. Trẻ có triệu chứng thiếu máu, có thể kèm theo lách to.

xet-nghiem-mau-khi-mang-thai1

Trong cả 2 thể trên, tình trạng vàng da của trẻ còn có thể gây ra các triệu chứng của vàng da nhân (rối loạn thân nhiệt, giảm trương lực cơ, co giật, hôn mê,…), nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong hoặc để lại các di chứng thần kinh về sau (bại não, mù, câm, điếc,…).

3. Điều trị.

– Khi một phụ nữ mang thai và được xác định nhóm máu là Rh(-), thai phụ này phải được theo dõi nồng độ kháng thể kháng Rh trong máu, đồng thời siêu âm thai chẩn đoán tiền sản cần chú ý để phát hiện thai nhi bị thiếu máu.

– Trong thời gian chăm sóc tiền sản, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiện tượng sản xuất kháng thể của các thai phụ có Rh(-), đồng thời theo dõi thai nhi qua siêu âm để phát hiện sớm các dấu hiệu thiếu máu của bào thai.

– Nếu có sự hiện diện của kháng thể trong máu mẹ với nồng độ cao và thai nhi có dấu hiệu thiếu máu đáng kể, người ta sẽ tiến hành thay máu Rh(-) cho thai qua dây rốn khi thai được 18 tuần trở lên. Đây là một thủ thuật nguy hiểm, nên ngoại trừ trường hợp tuổi thai quá nhỏ, một số người chọn cách cho sinh sớm, sau đó sẽ tiến hành thay máu cho trẻ sau khi sinh.

-Thay máu sớm trong 24 giờ đầu sau sinh là phương pháp điều trị đặc hiệu và duy nhất có hiệu quả. Nếu không thay máu, trẻ sẽ nhanh chóng chết trong bệnh cảnh thiếu máu nặng và vàng da nhân.

– Việc điều trị còn phải kết hợp với ánh sáng liệu pháp để phòng ngừa các biến chứng của vàng da nhân.

4. Khuyến cáo về việc theo dõi và phòng ngừa

– Tất cả các phụ nữ mang thai đều phải được kiểm tra nhóm máu. Nếu nhóm máu là Rh(-), kiểm tra kháng thể trong máu trong vòng 12 tuần đầu tiên khi đến khám thai.

– Xét nghiệm máu chồng. Nếu chồng cũng có Rh(-) thì con chắc chắn có Rh(-).

– Với những phụ nữ bị sảy thai, thai lưu thì cần phải được kiểm tra nhóm máu và theo dõi ở những lần mang thai sau.

– Kiểm tra kháng thể của mẹ vào tuần thứ 12, 28 và 36 của thai kỳ trong suốt giai đoạn tiền sản – nếu xuất hiện kháng thể, cần phải đánh giá thường xuyên hơn nữa. Nên lấy máu mẹ sau khi sinh để tìm kháng thể và tầm soát tế bào của con.

– Sau khi sinh, lấy máu cuống rốn để xác định nhóm máu, hemoglobin, Coomb trực tiếp và bilirubin huyết thanh của trẻ. Nếu trẻ bị vàng da, cần phải có hướng điều trị kịp thời.

– Phải đảm bảo đã truyền anti-D trong vòng 72 giờ sau sinh cho các thai phụ có Rh(-) mà con lại mang Rh (+). Vấn đề này cực kỳ quan trọng sau khi thai phụ xuất viện.

–  Nếu trẻ chết non hoặc chết trong thời kỳ sơ sinh, cần phải lấy máu cuống rốn để làm các xét nghiệm thường quy, ghi nhận cân nặng, tình trạng vàng da, các bất thường bẩm sinh, tình trạng và cân nặng của bánh nhau.

– Lấy mẫu máu của sản phụ để xác định kháng thể vào thời điểm 6 tháng sau sinh và ngay khi có thai lần kế tiếp. Việc phòng ngừa được đánh giá là thành công nếu như không thấy kháng thể trong 2 lần kiểm tra trên.

– Một vấn đề cũng cần xem xét phòng ngừa trong tương lai: tiêm anti-D cho các bé gái mới sinh có Rh (-) mà mẹ lại có Rh (+). Như vậy, ta có thể phòng ngừa được hiện tượng miễn dịch Rh do hiện tượng truyền máu mẹ-thai nhi

Nguồn- FB: yhoccongdong