Bước sang giai đoạn 8 tháng tuổi, bé đã lớn lên nhiều và đã quen với việc ăn dặm. Vậy cần nấu những món cháo ăn dặm nào để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng, giúp bé phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Các mẹ hãy bổ sung vào thực đơn ăn dặm cho bé 9 món cháo giàu dinh dưỡng sau nhé!.
Nội dung chính
1. Cháo thịt heo – nấm rơm
Nguyên liệu chuẩn bị: thịt heo nạc, cháo, nấm rơm, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt, sau đó xay nhuyễn và hòa với nước, khuấy cho đều.
- Nấm rửa sạch và băm nhuyễn.
- Cho thịt, nấm rơm vào nấu chung với cháo cho nhừ, sau đó tắt bếp, thêm ít dầu ăn.
2. Cháo thịt heo – bí đao
Nguyên liệu chuẩn bị: thịt heo (lợn) nạc, bí đao, cháo/ bột gạo, nước mắm, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt, xay nhuyễn ra, cho vào nước tán đều.
- Bí đao gọt sạch vỏ, bỏ hạt, rửa sạch và băm nhuyễn.
- Đun sôi thịt lên và cho bí vào trộn đều, cho thêm 1 chút nước mắm và đun tiếp tới khi hỗn hợp chín mềm và tắt bếp.
- Trộn hỗn hợp trên với cháo, thêm chút dầu ăn vào, khuấy đều lên. Hoặc có thể cho hỗn hợp thịt, bí đao vào náu chung với cháo.
3. Cháo cá – cà rốt
Nguyên liệu chuẩn bị: cháo, cà rốt, cá, dầu ăn, nước mắm.
Cách chế biến:
- Cá hấp chín, gỡ bỏ xương và tá nhuyễn ra.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem hấp cho chín mềm, sau đó tán nhuyễn.
- Cho cà rốt, cá vào nồi cháo đang sôi rồi thêm một chút nước mắm, trộn đều lên và tắt bếp. Cho một ít dầu ăn vào.
4. Cháo thịt heo – cải ngọt
Nguyên liệu chuẩn bị: cháo, dầu ăn, thịt heo nạc, cải ngọt.
Cách chế biến:
- Rửa sạch thịt, sau đó băm nhuyễn.
- Nhặt rau cải và rửa sạch, sau đó băm nhuyễn.
- Cho thịt vào nấu chung với cháo, sau đó mới cho cải vào tới khi chín mềm thì tắt bếp, cho thêm một chút dầu ăn vào.
5. Cháo đậu hũ – cà chua
Nguyên liệu chuẩn bị: cháo, dầu ăn, cà chua, đậu hũ non.
Cách chế biến:
- Đậu hũ non rửa sạch và tán nhuyễn.
- Cà chua rửa sạch rồi bỏ hạt, băm nhuyễn hoặc có thể rửa sạch rồi luộc chính, bóc vỏ, bỏ hạt và tán nhuyễn.
- Cho tất cả vào nấu chung vào một nồi, tới khi chín thì tắt bếp, cho thêm một chút dầu ăn.
6. Cháo trứng – dưa leo
Nguyên liệu chuẩn bị: cháo, trứng gà, dưa leo, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Chỉ lấy lòng đỏ trứng gà hấp chín và tán nhuyễn.
- Rửa sạch dưa leo, ngâm qua nước muối, có thể bỏ vỏ hoặc không đem hấp chín rồi xay nhuyễn.
- Cho dưa leo, lòng đỏ trứng gà vào nồi cháo, trộn đều chờ đến khi chín thì tắt bếp, thêm ít dầu ăn.
7. Cháo cá diêu hồng – rau muống
Nguyên liệu chuẩn bị: cháo, dầu ăn, nước mắm, hành trắng, cá diêu hồng, rau muống,.
Cách chế biến:
- Rửa sạch cá, hấp chín, gỡ bỏ phần xương đi và tán nhuyễn.
- Lấy lá rau muống rửa sạch, băm nhuyễn.
- Phi hành trắng băm nhuyễn, cho cá vào xào, cho vào nấu cùng cháo.
- Cuối cùng cho rau muống vào nấu chín, thêm một chút nước mắm, trộn đều lên và tắt bếp. Cho một ít dầu ăn vào.
8. Cháo tôm – cải bẹ trắng
Nguyên liệu chuẩn bị: cải bẹ trắng, cháo, tôm, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Tôm bóc vỏ đem rửa sạch rồi băm nhuyễn.
- Cải rửa sạch, băm nhuyễn.
- Cho tất cả vào nấu chung với cháo đến khi nào tôm chuyển sang màu đỏ thì tắt bếp, thêm ít dầu ăn.
9. Cháo thịt bò – bông cải
Nguyên liệu chuẩn bị: thịt bò, cháo, bông cải, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Thịt bò, bông cải rửa sạch và băm nhuyễn.
- Cho bông cải vào cháo trước rồi mới cho thịt bò vào. Chờ đến khi chín thì tắt bếp, thêm ít dầu ăn.
Lưu ý:
Khi nấu cháo bột ăn dặm cho bé, các bậc cha mẹ không nên nêm gia vị hoặc có nêm thì phải nêm thật nhạt để bảo vệ tốt nhất cho gan và thận của bé. Bên cạnh đó cha mẹ cần chú ý tới phản ứng của bé khi thêm thực phẩm mới cho con để đề phòng tình trạng dị ứng với thực phẩm đó hay không. Ngoài dầu ăn tinh luyện thông thường, có thể sử dụng dầu mè, dầu gấc, đặc biệt là dầu olive, dầu Omega 3 giúp tốt cho thị lực và sự phát triển toàn diện của não bộ.
Ngoài các bữa ăn chính này, cha mẹ cần cho bé ăn thêm trái cây, rau củ quả luộc, sữa chua trong các bữa ăn nhẹ để bổ sung thêm các chất xơ và vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.