Mách mẹ 6 tuyệt chiêu dạy con nhanh biết nói cực hiệu quả, mẹ áp dụng ngay nhé!
Con yêu chào đời, bố mẹ luôn chờ đón từng giai đoạn phát triển của con “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Và chờ mong con biết nói để gọi “bố ơi, mẹ ơi” là tâm lý chung của rất nhiều ông bố, bà mẹ.
Thực tế cho thấy, có những bé 6 tháng đã biết bò từ sớm. Nghĩa là, nếu như bố mẹ biết cách chăm sóc con con sẽ phát triển sớm hơn so quy chuẩn chung.
Bố mẹ cũng có thể dạy con nhanh biết nói bằng những tuyệt chiêu sau đây:
- Nói chuyện với con thường xuyên
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra não bộ của trẻ sơ sinh hoạt động rất sớm, con có thể nghe và phản ứng với âm thanh ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ.
Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, để con nghe và cảm nhận tiếng nói. Việc trò chuyện cùng con cần được làm ngay từ khi con chưa biết nói, bố mẹ có thể nói với con từ những điều đơn giản nhất như “Chào con, bố đi làm về rồi này” hay “Mẹ cho con ăn no rồi con ngủ ngoan nhé”.
Việc ngôn ngữ tác động sớm sẽ kích thích não bộ liên kết các nơ-ron thần kinh để bé nhanh biết nói.
- Đọc sách cho con
Theo khoa học chứng minh: Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ thích đọc sách, đứa trẻ đó có vốn từ ngữ rất phong phú, am hiểu nhiều và ham đọc sách.
Đọc sách cho con nghe là một trong những cách để giúp con nhanh biết nói, bởi để phát âm được các chữ con cần có một vốn từ vựng để diễn đạt đúng suy nghĩ của mình.
Ngay từ sớm, bố mẹ nên có thói quen đọc truyện cổ tích cho con nghe, dần dần cho con xem truyện tranh hay nghe những câu chuyện văn học giàu tính nhân văn. Dân gian ta có những bài đồng dao, những câu vè ngược, bố mẹ đừng quên đọc cho con nghe để con được phát triển tư duy từ sớm.
Sách là nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ nên việc lựa chọn sách đọc cho con nghe cần thật cẩn thận, không thể chọn đại khái, bố mẹ nên chọn mua sách do Nhà xuất bản có uy tín biên tập và lựa chọn sách đúng với độ tuổi của con.
- Cho con nghe nhạc
Cho con nghe nhạc mỗi ngày sẽ giúp con học thêm được nhiều từ ngữ mới, bởi ngôn ngữ trên nền âm nhạc là dạng ghi nhớ dài hạn, bé sẽ nhớ rất lâu lời bài hát. Bố mẹ càng dạy cho con nhiều bài hát thì vốn từ ngữ của con ngày càng phong phú. Đó là nền tảng để con nhanh biết nói.
Khi bé trong bụng mẹ, bố mẹ đã có thể cho con nghe nhạc không lời, đó là những bản hòa tấu, với giai điệu du dương dễ đi vào lòng người.
Khi bé lớn thêm một chút, bố mẹ có thể hát cho con nghe nhạc thiếu nhi và dạy bé hát theo những câu hát của bố mẹ, chẳng mấy chốc bé đã thuộc được tất cả các bài hát mà bố mẹ dạy.
- Tạo ra các cuộc hội thoại cùng con
Một cách để con nhanh biết nói nữa là bố mẹ hãy tạo ra các cuộc hội thoại cùng với con, để cho con có cơ hội được giao tiếp theo nghĩa có người nghe và người nói.
Khi con chú ý vào một vật gì đó, bố mẹ có thể hiểu là con đang quan tâm đến nó. Chẳng hạn con tập trung nhìn quạt trần đang quay trên đầu, bố mẹ hãy giải thích với con “Cái này gọi là quạt trần con nhé, quạt đang quay để cho con mát đấy”.
Khi con có phản ứng đáp lại, đôi khi chỉ là tiếng bi bô không rõ lời, bố mẹ hãy tự ngầm hiểu con đang trả lời lại đó, và tiếp tục cuộc hội thoại xoay quanh chủ đề quạt trần như “Quạt trần quay có làm con mát không?” “Con có mát hả”,…
- Cho con đi chơi ở nơi đông người
Muốn con nhanh biết nói, hãy để con tiếp xúc với nhiểu người. Điều này đặc biệt đúng với những đứa trẻ ở thành phố, khi mà thế giới quan mà con tiếp xúc chỉ là những người thân trong gia đình, thì khả năng biểu đạt cũng như ngữ điệu ngôn ngữ của con không thể nào phong phú như những đứa trẻ được tiếp xúc với nhiều người.
Chính vì vậy, bố mẹ hãy thường xuyên tạo cho con cơ hội được tiếp xúc với nhiều người để con được lắng nghe, được giao tiếp.
Bố mẹ có thể cho con sang nhà hàng xóm chơi hay đưa con ra công viên mỗi chiều tối để con được ngắm nhìn không gian khác với nhà mình. Hoặc là tổ chức những buổi tham quan vườn bách thú, khu vui chơi trẻ em, nơi có nhiều điều mới mẻ để bé học tập.
- Không chỉ trích khi con học nói
Qúa trình con học nói sẽ bắt đầu bằng tiếng ê a, bập bẹ một vài lời không rõ nghĩa, sau đó con nói được những câu dài hơn nhưng không tránh khỏi những câu nói ngọng.
Khi con phát âm chưa được đúng, bố mẹ và người thân trong gia đình không nên cười chê con, thay vào đó hãy động viên con đã cố gắng học nói, và giúp con sửa những từ mà con đang phát âm sai.
Nếu lần sau, con phát âm lại chính xác từ mà bố mẹ đã sửa, hãy ghi nhận điều đó và khen ngợi con “Con đã nói đúng rồi này. Con giỏi quá”. Từ đó, con sẽ có động lực và tự tin nói những gì con nghĩ.
Chúc bố mẹ thành công dạy con nhanh biết nói!