Bố mẹ nào cũng đều mong muốn đặt cho con một cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa mang lại may mắn và tốt lành cho bé sau này. Trong đó việc đáp ứng một số quy tắc nhất định, tránh những lỗi cơ bản sau là điều mà các bố mẹ không nên bỏ qua.
1. Tránh đặt tên con mang ý nghĩa quá tuyệt đối, cầu toàn, cầu lợi
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống vì thế mà không ít các bậc phụ huynh đã chọn đặt cho con mình những cái tên quá cầu toàn, quá tuyệt đối như là: Hoa Khôi, Trạng Nguyên, Thiên Tài, Vô Địch, Kiềm Diễm, Mỹ Nhân hay Bạch Tuyết,… để gửi gắm mong ước của mình. Vô tình, các bố mẹ đã tạo áp lực cho con trong tương lai. Với những cái tên đẹp cầu toàn ấy, bé lớn lên rất dễ bị người ngoài so sánh bản thân với cái tên của mình. Và nguy hại nhất là có khả năng trẻ sẽ bị chế giễu, bị trêu chọc nếu như con không được hoàn thiện như cái tên đó.
2. Tránh đặt tên con khó phân biệt nam nữ
Nhiều bậc cha mẹ thích đặt tên cho bé yêu nhà mình theo kiểu vừa có thể hiểu là nam lại vừa có thể hiểu là nữ, nghe sẽ rất thú vị nhưng sau này khi con lớn sẽ khiến con gặp không ít khó khăn trong cuộc sống chẳng hạn như là dễ bị bạn bè trêu chọc khi đi học hoặc là nhầm lẫn giới tính trong các loại giấy tờ hoặc người khác dễ gọi nhầm từ “chị” thành “anh”, từ “bà” thành “ông” và ngược lại,…
3. Tránh đặt tên trúc trắc, khó gọi, không đúng luật thanh âm
Với những cái tên khó gọi về mặt ngữ âm hoặc trúc trắc về âm thanh khiến người gọi tên cảm thấy khó khăn và rất dễ gọi nhầm tên con, dẫn tới nhiều rắc rối trong đời sống, trong khi làm thủ tục, giấy tờ,…
Để cái tên đẹp của con dễ gọi thì bố mẹ nên kết hợp cả vần bằng (chữ mang dấu huyền hoặc không dấu) và vần trắc (chữ mang các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng) để đặt cho con. Cần tránh đặt những cái tên chỉ sử dụng 1 loại vần và nhất là vần trắc, ví dụ như là Đỗ Vũ Mỹ, Đỗ Lễ Nghĩa, Tạ Thị Hiện, Phạm Thị Thụ,… cho con bởi vì khi đọc sẽ tạo nên cảm giác nặng nề và mệt mỏi.
4. Tránh đặt tên con mang nghĩa xấu hoặc khi nói lái, viết tắt sẽ mang nghĩa xấu
Các cụ ngày xưa thường hay đặt tên con thật xấu để… con dễ nuôi và để… trời không bắt mất. Nhưng bây giờ đã qua rồi cái thời ấy rồi các bố mẹ nhé. Giờ đây ai cũng muốn đặt cho con, cho cháu mình cái tên thật đẹp thật ý nghĩa thế nhưng cũng cần phải thử tất cả các trường hợp viết tắt, nói lái của cái tên để tránh sau này người khác xuyên tạc, bóp méo cái tên của con nhé. Ví dụ như là không nên đặt cho con cái tên là Tiến Tùng vì nói lái sang thành “Túng Tiền”, không nên đặt là “Lê Quốc Tùng” vì nói ngược lại là “Lùn Quốc Tế”, nếu họ Mai và định đặt tên con là Nam thì không nên lấy đệm là Thành vì “Mai Thành Nam” sẽ dễ bị bạn bè trêu là tới ngày mai mới thành nam được còn nay vẫn là nữ,…
5. Tránh đặt tên con theo tên người nổi tiếng
Mong con làm được những điều lớn lao như thần tượng, như người nổi tiếng nên rất nhiều những bố mẹ hay đặt tên cho con theo họ. Điều này là không nên vì có thể vô tình tạo ra áp lực cho con khi con không làm được những điều to lớn mà người nổi tiếng đó đã từng làm. Người nổi tiếng thì có thể có scandal nên có thể ở thời điểm này thì rất hay nhưng ở thời điểm khác thì có thể đó là người tai tiếng,… nên cũng không tốt với bé.
6. Tránh đặt tên có nghĩa khác ở tiếng nước ngoài
Nhiều cái tên ở Việt Nam nghe rất hay và ý nghĩa thế nhưng khi sang nước ngoài, nhiều người đã phải chỉnh lại tên để không bị nhầm với nghĩa của từ đó trong tiếng nước ngoài. Lấy ví dụ như là tên Dung hoặc Dũng, trong tiếng anh “Dung” có nghĩa là “Phân” nên khi sang nước ngoài nhiều người đã phải chỉnh thành “Dzung”. “Chiến” cũng là một cái tên rất đẹp trong tiếng Việt nhưng trong tiếng Pháp thì “chien” lại là từ dùng để chỉ loài chó,… Vì thế khi đặt tên cho con, bên cạnh việc chọn cái tên hay, tên ý nghĩa trong tiếng Việt thì các bậc cha mẹ cũng nên cân nhắc và nên tuân thủ theo nguyên tắc thứ 6 này để tương lai của con được thuận lợi hơn nhé.
Tham khảo thêm quần áo sơ sinh cho bé được bán nhiều tại KidsPlaza: