1. Làm hư con
Nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc ít có thời gian bên con, hoặc có suy nghĩ rằng thời ngày xưa mình sống đã khổ sở rồi nên muốn bù đắp cho con bằng những món quà vật chất mà con cứ muốn là được. Việc này làm hư hỏng đứa trẻ và dần dẫn sẽ hình thành nên tính cách muốn gì được nấy của trẻ, trẻ sẽ trở nên ích kỷ, đòi hỏi nhiều và không chịu cố gắng hay suy nghĩ cho ngưới khác.
Điều mà trẻ con cần là sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của bố mẹ, chính vì thế bố mẹ dù bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian cho con, con trẻ thường ảnh hưởng nhiều từ những việc làm, cách cư xử của bố mẹ chúng.
2. Thiếu kỷ luật
Các cụ có câu “ dạy con từ thuở còn thơ” thật không sai, nếu bố mẹ nuông chiều con cái, thiếu kỷ luật, con sẽ trở thành một đứa trẻ ích kỷ, cứng đầu. Cần phải giáo dục con đối xử tốt với mọi người cũng như những đồ vật xung quanh. Dạy cho bé biết giá trị của đồ vật chứ một chiếc ghế sofa đắt tiền không phải là đồ chơi để con biến thành tấm bật lò xo, cũng như biến ngôi nhà thành một món đồ chơi của mình. Nếu không răn đe và có những biện pháp kỷ luật với bé dần dần bé sẽ coi đó là chuyện bình thường và hình thành nên tính cách cũng như cư xử trong cuộc sống hàng ngày.
3. Không quan tâm đến trường, lớp của con
Trường học là nơi con bạn giành rất nhiều thời gian cho việc tiếp xúc và học hỏi từ các nhân tố bên ngoài, nơi đây hình thành nên nhân cách con trẻ vì con hay tiếp xúc với ai? Chơi thân với bạn nào? Ở trường con có chú ý nghe giảng không? Có bỏ tiết đi chơi không? Hãy luôn hỏi han con về những hoạt động ở trường lớp, những bạn bè, những chia sẻ và cảm nghĩ của con đồng thời cha mẹ cũng nên quan tâm đến giáo viên phụ trách con để theo dõi tình hình học tập cũng như sự phát triển của con được tốt nhất.
4. Ca ngợi con quá mức
Khen con quá mức làm cho trẻ bị tự tin và đánh giá sai về khả năng của mình. Khen con từng việc cụ thể tránh khen chung chung như kiểu “ con mẹ giỏi quá” mà phải khen từng việc bé hoàn thành tốt như: “hôm nay con dọn nhà rất sạch”. Hoặc học kỳ này con học rất tốt con cần cố gắng vào học kỳ tiếp theo. Không nên ca ngợi bé quá đà với những thành tích bé đạt được để bé tiếp tục phấn đấu.
5. Không làm một người chồng/ vợ tốt
Thường xuyên chỉ trích nhau các vấn đề trước mặt con cái, hay đối xử với nhau không tốt ảnh hưởng tới sự phát triển các mối quan hệ của bé, đặc biệt trong giai đoạn bé đang lớn, việc bố mẹ thường xuyên cãi nhau và sử dụng những ngôn từ không hay đồng nghĩa với việc bạn đã dạy bé cách cư xử không hay của bố mẹ. Không có việc dạy nào hợp lý hơn là hành động trước mặt các con, vì vậy tình cảm gia đình, đối xử tôn trọng và yêu thương là cách dạy con tốt nhất để yêu thương.
6. Không giúp con hiểu về trách nhiệm
Giúp mẹ làm việc nhà là điều nên làm, không phải bé giúp mẹ quét nhà, rửa chén, nhặt rau là bé sẽ được nhận tiền. Nhà không phải là khách sạn, bố mẹ nên giúp con ý thức được rằng bé là một phần của gia đình và cần đỡ đần bố mẹ. Nếu một đứa trẻ đã sớm không có trách nhiệm, làm sao có thể hi vọng khi chúng lớn lên có thể giữ được công việc hoặc thậm chí hoàn thành việc học tại trường?
7. Đặt ra những hi vọng không thực tế
Nếu nhà bạn ra ngoài dùng bữa tối, và bạn mong muốn đứa con mới hai tuổi của mình ngồi yên và ăn nghiêm túc như người lớn, bạn đã tự tạo nên thất vọng cho mình. Cũng như thế, nếu bạn mong con trở thành một ngôi sao bóng đá trong khi bé chỉ cân nặng 45kg và thích chơi đàn, thì hãy điều chỉnh lại kỳ vọng của mình. Đừng đặt ra cho con và cho chính bạn những kỳ vọng không thực tế. Sự kỳ vọng duy nhất cha mẹ nên có là: Mong muốn các con được hạnh phúc..
8. Không dạy con tự lập
Chăm sóc con mình đến tận răng,làm con ỷ lại vào bố mẹ và điều đó làm mất giá trị của việc nỗ lực và tự lập khi đứa trẻ lớn lên thành người lớn. Dạy cho con trở nên mạnh mẽ và biết tự làm mọi thứ không có nghĩa là bạn yêu chúng ít hơn, mà ngược lại, bạn đang yêu con rất nhiều.
9. Áp đặt con
Mỗi người đều có ước mơ riêng và người ta chỉ có thể làm tốt làm hêt mình với công việc mà họ muốn, nếu bé thích học vẽ hơn là chơi đàn, hay bé thích bơi lội hơn đá banh thì bạn nên ủng hộ những sở thích của bé, bạn có thể dạy bé biết thế nào là đam mê, là cố gắng thực hiện ước mơ, còn ước mơ của bé thế nào thì hãy để bé tự quyết định.
10. Nói mà không làm
Bạn đã hứa sẽ đưa con đi chơi vào cuối tuần hay sẽ về dự sinh nhật bé sớm nhưng vì công việc quá bận bạn lại không làm những điều đó? Bé mắc sai lầm hoặc hỗn với người lớn,… bạn định phạt bé nhưng rốt cuộc bạn cũng không thực hiện?Nói mà không làm sẽ khiến bé mất tôn trọng bạn và dần dần bé sẽ không quan tâm tới những gì bạn nói (hứa hay phạt) nữa.